(HNM) - Thời gian qua, thông qua các cơ chế, chính sách và hoạt động tín dụng có hiệu quả, trên 120.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do đó việc bảo đảm và tăng nguồn vốn chính sách là điều không đơn giản. Song quyết tâm của thành phố trong năm 2012 là thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm từ 1,5% đến 2% hộ nghèo, tăng trưởng đạt 11%, hệ số sử dụng vốn đạt trên 99%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 95%, thiết thực góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Sinh viên làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH. Ảnh: Trần Việt
Ông Nguyễn Đình Bộ, Hội Nông dân huyện Phúc Thọ khẳng định, sau 4 năm triển khai cho vay chương trình học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn, đến nay dư nợ cho vay thông qua Hội Nông dân huyện đã đạt 84.773 triệu đồng, giúp cho 6.000 HSSV có điều kiện học tập tốt hơn. Nhiều hộ được vay vốn phát triển kinh tế, nuôi con ăn học đều thừa nhận nếu không được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thì nhiều hộ nghèo phải cho con nghỉ học. Nhiều hộ được NHCSXH tiếp sức tới cả trăm triệu đồng như ông Nguyễn Trung Vẫn xã Ngọc Tảo có 4 con học đại học được vay số tiền 97 triệu đồng. Điều đó đã giúp cho ước mơ học tập vươn lên thoát nghèo của con em nông dân trở thành hiện thực.
Năm 2011, cùng với các chính sách an sinh xã hội, TP đã triển khai nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách. TP đã triển khai lồng ghép nhiều chương trình như hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay, đầu tư xây dựng hạ tầng cho vùng nông thôn, ngoại thành… Nhờ đó, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm 2%, tại các xã nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt cao hơn từ 3-4%. Năm 2011, TP đã bổ sung 150 tỷ đồng vào nguồn quỹ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay để phát triển sản xuất. Tính đến cuối tháng 3-2012, tổng nguồn vốn huy động và quản lý tại Ngân hàng CSXH TP đã đạt 3.740 tỷ đồng, tăng 164 tỷ đồng so năm 2011. |
Năm 2011, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi toàn TP đạt 3.574 tỷ đồng, NHCSXH Hà Nội đã cho vay được trên 120.000 lượt hộ, trong đó có 38.000 lượt hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm cho trên 22.000 lượt khách hàng, hỗ trợ 4.000 hộ nghèo xây dựng nhà ở… Thông qua 10 chương trình tín dụng ưu đãi, hiệu quả đồng vốn đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống bảo đảm an sinh xã hội. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đánh giá, NHCSXH Chi nhánh TP Hà Nội là một đơn vị xuất sắc của hệ thống NHCSXH. Hà Nội có khu vực ngoại thành rộng lớn chiếm trên 70% dân số, NHCSXH Hà Nội đã làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương bổ sung nguồn vốn chăm lo cho người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng tín dụng hằng năm đều đạt trên 10%, vào tốp đầu các tỉnh. Hà Nội có nguồn vốn ủy thác của địa phương cao (đạt gần 1.000 tỷ đồng), là địa phương có chính sách tín dụng ưu đãi tốt nhất trong cả nước, quy trình cho vay bảo đảm, đúng đối tượng. Các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt công tác quản lý vốn, huy động tiết kiệm góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Ông Bùi Quang Vinh, Giám đốc NHCSXH Hà Nội cho rằng, hiện đang "vênh" về số liệu giữa hộ nghèo "chỉ tiêu" và số hộ nghèo theo dư nợ. Có sự "vênh" này là do bị "cắt" bớt dần về chỉ tiêu hộ nghèo trong báo cáo từ xã lên TP. Mặt khác, danh sách hộ nghèo do xã, phường xác lập vào tháng 10 và 11 năm trước, nhưng quá trình cho vay kéo dài cả năm sau, số hộ nghèo phát sinh do các nguyên nhân thiên tai, ốm đau… tăng. NHCSXH Hà Nội đề nghị chính quyền các địa phương bổ sung để các hộ nghèo được vay vốn. Bên cạnh đó việc phân bổ chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm do thành phố phân bổ chậm vào dịp cuối năm vì vậy công tác giải ngân gặp khó khăn. Lãnh đạo các huyện kiến nghị, mức vay giải quyết việc làm; cho vay nước sạch - môi trường cần được nâng lên. Theo ông Nguyễn Lam Điền, Phó Chủ tịch UBND TX Sơn Tây, với mức vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm cho một lao động và 4 triệu đồng/công trình nước sạch - vệ sinh thì không đủ lực để đồng vốn phát huy hiệu quả ...
Trong khi đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Vì nêu lên những trăn trở: Là huyện nghèo, dân trí ở các xã miền núi còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cao nên hoạt động chính sách gặp nhiều khó khăn. Năng lực sản xuất kinh doanh của một số hộ vay còn yếu, nhận thức của nhiều hộ vay vốn còn hạn chế nên thu hồi vốn rất khó khăn. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng để lồng ghép giữa đầu tư vốn với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ. Chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân nhưng tiềm ẩn nợ quá hạn do phần lớn sinh viên ra trường chưa có việc làm.
Kinh tế năm nay được dự báo có nhiều khó khăn, nguồn vốn bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng ưu đãi chính phủ có thể giảm. "Kinh tế càng khó khăn, phân hóa xã hội càng rõ, sự nghiệp giảm nghèo càng phải được coi trọng. Giảm nghèo giống như chữa bệnh, nếu dùng kháng sinh không đủ liều thì sẽ dễ gây ra nhờn thuốc" - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định. TP Hà Nội đặt mục tiêu năm 2012 thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách phấn đấu góp phần giảm 1,5% đến 2% hộ nghèo, tăng trưởng đạt 11%, hệ số sử dụng vốn đạt trên 99%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 95%, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.