(HNM) - Hà Nội hiện chưa tự cung ứng đủ hàng hóa, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu của người dân kể cả sau khi mở rộng. Đó là thực tế không dễ giải quyết ở thành phố hiện nay.
Ví dụ, sản lượng rau tự sản xuất của Hà Nội đạt gần 600.000 tấn/năm trong khi nhu cầu về rau của thành phố tới 900.000 tấn/năm song không thể nhập khẩu bởi giá rau nhập không phù hợp với khả năng thanh toán của dân cư. Mua tại các địa phương bạn thì cũng có giới hạn bởi rất khó để đi khai thác ở các tỉnh quá xa tận các vùng Tây Nguyên, Nam bộ do vận chuyển chi phí cao... Tương tự, các hàng hóa, sản phẩm thịt lợn, trứng, thủy hải sản chế biến, đường… cũng vậy.
Một hoạt động giao thương diễn ra từ nhiều năm nay ở Hà Nội là các hội chợ triển lãm, thu hút đông doanh nghiệp các tỉnh lân cận tham gia, mang hàng thực phẩm tới, vừa bán cho người tiêu dùng, vừa giới thiệu với các doanh nghiệp chế biến Hà Nội có nhu cầu. Song hoạt động này đang ngày càng tỏ ra kém hiệu quả bởi thiếu các hoạt động hội thảo, giao thương giữa lãnh đạo Hà Nội, các tỉnh, doanh nghiệp… để giới thiệu sản phẩm thực phẩm hai bên có nhu cầu, phục vụ cho việc liên kết cung ứng hai chiều vì Hà Nội đang thiếu các sản phẩm lương thực, thực phẩm, các tỉnh bạn thì thiếu hàng tiêu dùng chất lượng cao.
Hoạt động giao thương đó được gọi là liên kết kinh tế vùng, làm tốt chắc chắn sẽ đưa đến cho người dân Hà Nội (chưa kể tới hàng triệu khách vãng lai mỗi năm) sự phong phú, đa dạng về hàng hóa tiêu dùng, chất lượng hàng hóa cũng như sự hợp lý về giá cả. Người tiêu dùng Thủ đô kỳ vọng đây là hướng đi chủ động để bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm cho Hà Nội trong thời điểm giá cả thị trường có nhiều biến động và sản xuất hàng hóa gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.