(HNM) - Tăng gấp đôi mức xử phạt đối với hành vi bán xăng dầu không đạt chất lượng; phạt tiền lên đến 40 triệu đồng đối với hành vi tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định trên phương tiện đo...
Bộ Công thương sẽ có nhiều biện pháp xứ lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Nhật Nam |
Ông Phương Văn Hiền (phường Xuân La, quận Tây Hồ): Tăng mức răn đe, bảo vệ quyền lợi người dân
Hiện nay, theo Nghị định 104/2011/ NĐ-CP, vi phạm về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường chỉ bị phạt 10-30 triệu đồng; hành vi làm thay đổi hoặc gian lận về chất lượng xăng dầu bị phạt 20-30 triệu đồng. Theo dự thảo mới, các mức phạt sẽ được đề xuất tăng gấp đôi. Việc làm này của Bộ Công thương nhằm siết chặt hoạt động vận chuyển, lưu thông và tăng cường bảo đảm chất lượng xăng dầu trong kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên tôi rất tán đồng và ủng hộ. Các loại xe máy, ô tô sử dụng xăng rởm sẽ bị hư hại động cơ, thiết bị và có thể bị cháy nổ, gây nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại tài sản của nhân dân. Tôi mong Bộ Công thương, Tổng Công ty Xăng dầu, các đơn vị kinh doanh xăng dầu cần kiểm tra lại hệ thống phân phối; phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm những cây xăng bán hàng kém chất lượng và không đủ số lượng.
Chị Bùi Phương Hoa (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông): Công khai danh tính đơn vị vi phạm
Cứ mỗi lần có sự điều chỉnh tăng giá thì tình trạng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở ngoại thành Hà Nội như: Mỹ Đức, Thanh Trì, Thanh Oai… lại "xin phép nghỉ bán vì hết hàng" ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, sinh hoạt của người dân. Dù rất bức xúc, nhưng không có cách để kiểm chứng lý do cửa hàng xăng dầu đưa ra là đúng hay sai. Chỉ có cơ quan chức năng mới có thẩm quyền yêu cầu cơ sở xuất trình các giấy tờ nhập, xuất hàng hóa, số lượng hàng tồn thực tế, có phải do doanh nghiệp đầu mối không cung cấp đủ lượng hàng cần thiết hay do cơ sở cố tình găm hàng chờ giá tăng để kiếm lời? Dự thảo nghị định mới quy định mức xử phạt gấp đôi các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu kèm theo sự kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng sẽ góp phần ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại xăng dầu. Bên cạnh việc xử lý theo quy định pháp luật, cơ quan chức năng cần công khai danh tính, địa chỉ và hành vi vi phạm của các cơ sở gian lận trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Anh Nguyễn Quang Tuấn (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân): Khó kiểm soát chất lượng xăng dầu ở các địa bàn xa
Là lái xe có thâm niên hơn 10 năm, tôi ngại nhất những lần phải đổ xăng dầu ở miền núi xa xôi. Đợt công tác vừa qua lên thành phố Sa Pa (Lào Cai) chiếc xe tải chạy dầu diesel của tôi bỗng dưng chết máy giữa đường. Thợ sửa chữa cho biết, nhiều phương tiện khác cũng gặp trường hợp tương tự, có lẽ do chất lượng nhiên liệu chưa bảo đảm. Nhưng cả khu vực Sa Pa chỉ có một trạm bán xăng dầu nên chủ phương tiện không có lựa chọn khác. Việc chỉ có một cửa hàng cung cấp nhiên liệu có thể gây bất tiện cho khách hàng, nhưng lại thuận lợi cho cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Do vậy, rất mong cơ quan quản lý địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu đưa ra thị trường.
Bà Vũ Phương Thảo (KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai): Mong sớm áp dụng quy định mới
Trong năm qua, đã có 237 vụ vi phạm kinh doanh xăng dầu bị phát hiện với số tiền xử phạt hành chính gần 1,7 tỷ đồng, trong đó có 13 cơ sở vi phạm nghiêm trọng đã bị cơ quan chức năng tước quyền sử dụng Giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Đây có phải là hồi chuông báo động khiến Bộ Công thương trình dự thảo "Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng"? Dù là lý do gì đi nữa, người dân rất tán đồng các quy định mới được đưa ra tại dự thảo này và mong dự thảo sớm được thông qua, áp dụng. Việc tăng gấp đôi mức xử phạt sẽ tăng mức răn đe, hạn chế các vụ vi phạm, bảo vệ quyền lợi người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.