Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng lương tối thiểu - đừng tạo cú sốc lớn cho doanh nghiệp!

Minh Bắc| 17/08/2015 17:50

(HNMO) - Tăng lương tối thiểu là nhu cầu chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, việc tăng lương đến mức nào để cho doanh nghiệp đủ khả năng chi trả đồng thời đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp, điều đó mới cần bàn, cần tính toán…

Cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia vào ngày 5/8/2015 vừa qua tuy chưa đi đến kết luận cuối cùng nhưng đã đạt được một số kết quả tốt. Đó là sự đồng thuận của các bên cần phải điều chỉnh mức tằng lương tối thiểu (LTT) cho năm 2016. Tất nhiên vẫn còn những bất đồng về mức tăng là bao nhiêu. Hội đồng tiền lương quốc gia đã phải tạm dừng cuộc họp để về tính toán xem xét lại cơ sở đề xuất mức tăng của từng bên, cái gì có thể thống nhất, cái gì còn bất đồng…

Ảnh minh họa


Ngày 13/8/2015 Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã công bố các kết quả khảo sát năm 2015 và cơ bản lấy đó làm cơ sở bảo vệ các đề xuất của mình về mức lương tối thiểu năm 2016. Nhìn chung các số liệu khảo sát của Tổng LĐLĐVN là có căn cứ thực tiễn và phản ánh tương đối đầy đủ cuộc sống của người lao động.

Về phía VCCI, đại diện giới chủ sử dụng lao động, tại phiên họp thứ nhất đó đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu khoảng từ 6-7%. Lập luận về lý do đưa ra con số đó, theo VCCI là căn cứ vào những cơ sở dữ liệu và tình hình kinh tế xã hội, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiền lương, việc làm, năng suất lao động và mức sống của người lao động… Và đó là mức hợp lý phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo sau khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, đời sống của người lao động, các thành viên trong phái đoàn của VCCI đã thảo luận và nhượng bộ để đưa ra mức điều chỉnh tăng lên 10%. VCCI hy vọng với mức này vẫn đủ bảo đảm cho doanh nghiệp tồn tại, phát triển bền vững, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Phía VCCI cũng đã thực hiện các cuộc khảo sát cho riêng mình. Các kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2% và 98% doanh nghiệp còn lại thuộc mô hình nhỏ và siêu nhỏ. Điểm đáng lo ngại là gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Trong 7 tháng đầu năm 2015 đã có 32.373 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động. Số liệu này tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%. Tỉ lệ thất nghiệp tăng thêm và tỉ lệ người có việc làm giảm xuống. Tỉ lệ lao động trong khu vực có quan hệ lao động sang khu vực phi chính thức tăng. Điều đó nói lên rằng các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp không phát triển, số việc làm giảm đi dẫn tới nguy cơ người lao động mất việc làm tăng lên…

Đại diện VCCI cũng giải thích với mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 10% như đề nghị thì thực tế người lao động còn được hưởng thêm các chế độ an sinh xã hội cao hơn thời gian trước như chế độ nghỉ phép năm, thai sản, ốm đau, tiền làm thêm giờ. Trong khi đó, từ 1/1/2016, doanh nghiệp phải đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35-40% so với năm 2015. Vì thời điểm đó, luật BHXH năm 2014 sẽ có hiệu lực, mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm và kinh phí công đoàn cho người lao động sẽ bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp (hiện nay mới chỉ là tiền lương).

Ngoài ra, năm 2016, nhiều chính sách về BHXH, an toàn vệ sinh lao động có hiệu lực đòi hỏi doanh nghiệp phải chi thêm nhiều khoản liên quan tới hỗ trợ lao động nữ, chính sách đảm bảo an toàn vệ sinh lao động… Tất cả những chi phí này, doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu. Do đó với mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 10% như đề xuất của VCCI, thực tế doanh nghiệp đã phải trả lương và đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cho người lao động tăng lên từ 17-18%. Đây thực sự là cú sốc lớn đối với doanh nghiệp. Đáng tiếc là kết quả này lại không như tính toán của bộ phận kỹ thuật thuộc Tổng LĐLĐVN và rõ ràng đây là vấn đề cần được các nhà chuyên môn phân tích mổ xẻ kỹ lưỡng để cả hai bên tâm phục khẩu phục.

VCCI cũng cho rằng, để có thể tăng lương và cải thiện đời sống cho người lao động, mục tiêu xa hơn là hướng tới mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu, muốn vậy, yếu tố quyết định cần dựa vào việc tăng năng suất lao động và chất lượng công việc. Các nhà đàm phán của VCCI nhấn mạnh, “quy định tại mục 2 điều 90 của Bộ Luật lao động là “Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc”.

Việc nâng cao năng suất phải được cụ thể hóa thông qua việc nâng cao tay nghề, ý thức và tác phong công nghiệp của người lao động, cải tiến máy móc thiết bị công nghệ, khả năng tận dụng các cơ hội kinh doanh khi tham gia các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, bối cảnh 70% doanh nghiệp làm ăn không có lãi, khả năng đầu tư của doanh nghiệp vào việc đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tăng năng suất lao động sẽ bị hạn chế. Hơn nữa việc tận dụng một số cơ hội khi hội nhập cũng cần phải có thời gian”.

Với những quan điểm như vậy, chắc chắn phiên họp tiếp theo của Hội đồng tiền lương quốc gia cũng không dễ dàng. Có thể phải mời thêm thành phần trung gian để tính toán xem xét cách lập luận của cả hai bên để Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra mức hợp lý nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng lương tối thiểu - đừng tạo cú sốc lớn cho doanh nghiệp!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.