Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng kiểm tra để giảm vi phạm

Minh Vũ| 04/09/2020 07:27

(HNM) - Vụ pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới gây ngộ độc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước thực trạng này, ngành Y tế Hà Nội đã tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, qua đó góp phần làm giảm vi phạm trong hoạt động này.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra một cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên phố Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy). Ảnh: Hà Hiền

Kiểm tra là ra vi phạm

Cùng lực lượng chức năng đến một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận Cầu Giấy, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, đa số cửa hàng nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Bên ngoài cửa hàng đều có dung dịch sát khuẩn tay cùng bảng, biển lưu ý thực khách bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; bên trong, đội ngũ quản lý, nhân viên cửa hàng, quán ăn đều đeo khẩu trang. Bàn, ghế sắp xếp gọn gàng; dụng cụ đựng thức ăn, đồ uống, nếu nhìn bằng cảm quan sẽ thấy khá sạch sẽ, bắt mắt.

Tuy nhiên, khi kiểm tra cụ thể từng nội dung thì các lực lượng chức năng phát hiện đa số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa bảo đảm an toàn tuyệt đối về vệ sinh thực phẩm cũng như việc phòng, chống dịch. Ngay tại thời điểm kiểm tra (sáng 1-9-2020), Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội chỉ rõ, nhà hàng Mỹ Tường Viên, tòa nhà UDIC No4, phố Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy) kê các bàn ăn sát nhau, không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 1m giữa người với người. Vị trí để bát, đĩa, đồ dùng phục vụ không có lưới ngăn côn trùng, trong khu vực chế biến thực phẩm xuất hiện côn trùng… Theo quy định hiện hành, việc để côn trùng xuất hiện ở khu vực chế biến thực phẩm bị xử phạt 2 triệu đồng đối với hộ kinh doanh, 4 triệu đồng đối với công ty, doanh nghiệp. Nhà hàng Mỹ Tường Viên thuộc một công ty, nên bị đề xuất xử phạt vi phạm mức 4 triệu đồng. Ngoài ra, các lực lượng chức năng yêu cầu cơ sở này khắc phục ngay những vấn đề còn tồn tại, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý ở mức cao hơn.

Cũng trong hoạt động kiểm tra này ở phố Hoàng Đạo Thúy sáng 1-9, quán bún chả Sinh Từ cũng chưa tuân thủ nghiêm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Vị trí để thực phẩm chín không có tấm kính hoặc tấm lưới bảo vệ. Nền nhà khu vực chế biến thức ăn có một số điểm bong, tróc, khiến côn trùng, nấm, mốc có thể trú ẩn… Kiểm tra một quán cà phê của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Cà phê Đường phố trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), lực lượng chức năng đã nhắc nhở cơ sở này tăng cường các giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ phòng, chống dịch Covid-19.

Trao đổi về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Tô Hà, Phó Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy cho hay, toàn quận hiện có khoảng 3.000 cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán thức ăn đường phố. Thời gian qua, các lực lượng chức năng từ quận tới cơ sở đã kiểm tra thực tế, qua đó phát hiện một số vấn đề còn tồn tại. Dễ nhận thấy là một số nhân viên không sử dụng găng tay khi chế biến thức ăn, một số cơ sở chưa bố trí ngồi giãn cách, trong khi đây là giải pháp quan trọng để bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.

Cần sớm khắc phục những tồn tại

Trước những vấn đề còn tồn tại, hiện nay các cơ quan, đơn vị chức năng quận Cầu Giấy tiếp tục tiến hành kiểm tra tại nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, yêu cầu các cơ sở bố trí đầy đủ nước sát khuẩn tay, đo thân nhiệt cho khách hàng và chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch… Tiếp thu ý kiến góp ý, chị Nguyễn Thị Hạ, quản lý quán bún chả Sinh Từ nói: “Chúng tôi cố gắng khắc phục triệt để những phần việc, nội dung làm chưa tốt nhằm nâng cao chất lượng phục vụ thực khách”.

Dưới góc độ quản lý, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, trong mọi thời điểm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần bảo đảm tuyệt đối về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời điểm có dịch Covid-19, vấn đề này càng cần được quan tâm, bắt đầu từ những việc nhỏ, như bố trí nước sát khuẩn tay ở nhiều vị trí, thường xuyên lau mặt bàn, ghế, tay nắm cửa… bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh, người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, tích cực phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp với kiểm tra, xử lý vi phạm. Chủ cửa hàng cần thường xuyên cho nhân viên kiểm tra sức khỏe, bắt buộc họ đeo găng tay khi chế biến thức ăn, đeo khẩu trang trong quá trình làm việc… Đơn vị nào vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, không tuân thủ quy trình phòng, chống dịch sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí phải đóng cửa, dừng kinh doanh.

Dịp này, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, tại Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 1-9 do UBND thành phố ban hành, từ ngày 6-9 đến 6-10, các cơ quan, đơn vị chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra về điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là với những cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu.

Với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cơ quan, đơn vị chức năng, hy vọng, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Hà Nội sẽ chuyển biến theo hướng tích cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng kiểm tra để giảm vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.