Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng khả năng tiếp cận xe buýt

Bài, ảnh: Tuấn Lương| 08/09/2020 06:17

(HNM) - Cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đang rà soát các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển của xe buýt nhằm tăng khả năng kết nối giữa xe buýt với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, cũng như giữa các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân... Điều này giúp tăng khả năng tiếp cận của hành khách với xe buýt.

Hệ thống nhà chờ, điểm đỗ của tuyến buýt nhanh BRT được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu của hành khách. Ảnh: Sơn Hà.

Chỉ 5,59% hành khách chưa hài lòng

Mỗi buổi sáng, anh Nguyễn Chiến Thắng, trú tại số 139 phố Lê Gia Đỉnh (quận Hai Bà Trưng) lại đi xe máy từ nhà đến Bến xe Kim Mã, gửi xe tại bến để lên tuyến buýt nhanh BRT 01 (Kim Mã - Yên Nghĩa) đến nhà chờ cầu La Khê trên đường Tố Hữu (quận Hà Đông), rồi đi bộ khoảng 700m vào Nhà máy Sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy VMEP để làm việc. “Quãng đường và phương tiện di chuyển như vậy an toàn và tiện lợi hơn đi làm bằng xe máy, tôi mong có tuyến phù hợp để có thể đi xe buýt từ nhà”, anh Thắng chia sẻ.

Trên địa bàn thành phố hiện có 3.813 điểm dừng xe buýt (trong đó 361 điểm dừng có nhà chờ), mật độ 1,1 điểm/km2, phục vụ cho hoạt động của 127 tuyến và nhánh tuyến xe buýt. Trong khu vực nội thành, tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt với cự ly dưới 500m đạt khoảng 80%. Khu vực ngoại thành, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30%.

Theo báo cáo khảo sát thực trạng tiếp cận và kết nối xe buýt tại 6 bến xe, 6 điểm trung chuyển và 331 điểm dừng đỗ xe buýt, với 2.000 hành khách cho thấy, chỉ có 5,59% hành khách đánh giá hệ thống điểm dừng xe buýt chưa hợp lý, chủ yếu do nằm xa các ngõ, nút giao thông.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Thái Hồ Phương cho biết, việc kết nối giữa các tuyến buýt hiện khá tốt. Hành khách dễ dàng chuyển tuyến với cự ly đi bộ ngắn (khoảng 200m). Tuy nhiên, kết nối giữa xe buýt với các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội (đang trong quá trình xây dựng) chưa hợp lý, khoảng cách giữa nhà ga và điểm dừng xe buýt khá xa, không thuận lợi cho việc trung chuyển của hành khách. Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông có 8/12 nhà ga cách điểm dừng xe buýt hiện tại từ 350 đến 500m; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội có 9/12 nhà ga cách điểm dừng xe buýt hiện tại từ 350 đến 500m.

Việc rà soát các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển sẽ góp phần tăng khả năng kết nối giữa xe buýt với các loại hình vận tải công cộng khác.

Bổ sung nhà chờ, hợp lý hóa cự ly

Sau nhiều năm nỗ lực đầu tư cho hệ thống vận tải hành khách công cộng, đến nay, tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 17%. Mục tiêu của thành phố là đến năm 2025 nâng tỷ lệ này lên khoảng 30-35%.

Theo ông Thái Hồ Phương, nhằm nâng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị đang hoàn thiện đề án rà soát, bố trí các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển nhằm tăng khả năng kết nối giữa xe buýt với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác cũng như giữa các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.

Với đề xuất của trung tâm, thành phố sẽ nghiên cứu bổ sung khoảng 2.500-2.700 điểm dừng xe buýt, bố trí lại các điểm dừng tiếp cận gần với các khu dân cư, các nhà ga đường sắt đô thị, các điểm trông giữ phương tiện cá nhân, bảo đảm cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m (thời gian đi bộ trung chuyển dưới 5 phút).

Ngoài ra, nghiên cứu bố trí các điểm dừng xe buýt gần các nút giao để giảm tối đa quãng đường đi bộ trung chuyển giữa các tuyến buýt; phát triển thêm 15 điểm trung chuyển xe buýt, nâng tổng số điểm trung chuyển lên 21 điểm. Trong đó 5 điểm trung chuyển kết nối trực tiếp xe buýt với các nhà ga lớn của đường sắt đô thị, cho phép xe buýt hoạt động với tần suất cao, đa dạng về hướng tuyến; 10 điểm trung chuyển phục vụ kết nối nội mạng tại các vị trí thuận lợi cho việc tái cấu trúc mạng lưới, phân tách các tuyến buýt nội thành, ngoại thành… “Từ đó, hình thành mạng lưới vận tải công cộng có cấu trúc dựa trên các điểm trung chuyển thay vì cung cấp các dịch vụ kết nối trực tiếp với cự ly dài; tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng tại các điểm trung chuyển xe buýt để hành khách có thể tiếp cận các khu vực nằm trong các phố, ngõ nhỏ”, ông Thái Hồ Phương chia sẻ.

Cơ bản đồng thuận với đề án của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Ngô Xuân Phú đề nghị, nên rà soát hiện trường thực tế, bổ sung điểm đỗ phù hợp với từng nhà ga đường sắt đô thị nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách cũng như an toàn trong quá trình dừng đón trả khách của xe buýt. Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến Nguyễn Anh Tuấn, cần bổ sung thêm nhà chờ cho các điểm dừng tại khu vực ngoại thành để giảm bớt sự bất tiện, nâng chất lượng dịch vụ cho hành khách.

Qua tính toán, sẽ có thêm khoảng 1,4 triệu người được tiếp cận xe buýt với cự ly đi bộ dưới 500m và nhiều người khác sẽ có thêm giải pháp kết nối với phương tiện công cộng bằng xe máy, xe đạp công cộng để tối ưu hóa chi phí, thời gian đi lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng khả năng tiếp cận xe buýt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.