Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng giá vé, nâng chất lượng phục vụ

Hà Phạm| 29/04/2019 08:50

(HNM) - Từ ngày 1-5-2019, ngành Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng giá vé trên các tuyến xe buýt có trợ giá.

Nhà chờ xe buýt tại đường Hàm Nghi (quận 1) được đầu tư hiện đại.


Tăng giá là cần thiết

Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định điều chỉnh giá vé xe buýt áp dụng trên các tuyến có trợ giá. Theo đó, từ ngày 1-5-2019, mức giá mới điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/lượt, chủ yếu ở các tuyến có cự ly dài. Cụ thể, đối với các tuyến xe buýt có cự ly từ 15km trở xuống, giá vé giữ nguyên 5.000 đồng/lượt. Còn các tuyến có cự ly trên 15km đến dưới 25km, giá vé áp dụng 6.000 đồng/lượt và từ 25km trở lên, mức giá là 7.000 đồng/lượt, tăng 1.000 đồng so với hiện nay. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 10 tuyến xe buýt cự ly dưới 15km, 66 tuyến từ 15km đến 25km và 21 tuyến dài hơn 25km. Trong khi đó, với đối tượng là học sinh, sinh viên, giá vé sẽ được điều chỉnh tăng từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng/lượt.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, giá vé xe buýt đang áp dụng đã được ban hành cách đây 6 năm, không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Bởi những năm qua, chi phí cho các yếu tố đầu vào đối với hoạt động xe buýt như giá nhân công, phương tiện, xăng dầu... tăng cao nên việc tăng giá vé là cần thiết. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, chi phí nhân công tăng khoảng 2 lần, chi phí đầu tư phương tiện tăng từ 2 đến 2,5 lần. Đặc biệt, trước khi đề xuất tăng giá vé xe buýt, đơn vị đã tổ chức khảo sát ý kiến của hơn 2.000 hành khách đi xe buýt và hơn 80% cho rằng giá vé hiện khá rẻ, đồng ý tăng thêm 1.000 đồng/lượt.

Đang học năm thứ hai Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên Lê Nhật Ánh thường xuyên đi tuyến xe buýt số 50 (Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia, chiều dài hơn 27km) cho biết, việc tăng giá vé 1.000 đồng không tác động nhiều đến sinh viên, bởi việc chi trả thêm vài chục nghìn đồng mỗi tháng có thể chấp nhận được. Thực tế, tại nhiều tuyến xe buýt không trợ giá, giá vé cao hơn nhưng hành khách vẫn tham gia đi lại rất đông. Đổi lại ở những tuyến này có chất lượng xe buýt tốt hơn, phục vụ chu đáo hơn. Do đó, chất lượng và thái độ phục vụ mới là yếu tố quyết định.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt lần này có mức tăng không quá cao, phù hợp với thu nhập bình quân của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách chi trợ giá xe buýt hằng năm. Sau khi tăng giá vé, doanh thu hoạt động vận tải công cộng bằng xe buýt sẽ tăng thêm hơn 90 tỷ đồng mỗi năm.

Cam kết nâng chất lượng phục vụ

Theo nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Lê Trung Tính, mục tiêu đề ra đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng được 15-20% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2025, thị phần vận tải hành khách công cộng đảm nhận 20-25%. Muốn đạt được mục tiêu này, trước hết, thành phố cần sử dụng hiệu quả nguồn tiền trợ giá từ ngân sách, từng bước chuyển từ trợ giá trực tiếp sang gián tiếp, mở rộng việc quảng cáo bên ngoài thân xe buýt nhằm tăng thu để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, điều chỉnh giá vé xe buýt cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Song song đó là áp dụng các biện pháp giảm chi như cắt và điều chỉnh các tuyến xe buýt hoạt động không hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cam kết, giá vé xe buýt tăng đồng nghĩa chất lượng phục vụ cũng được nâng lên. Hệ thống xe buýt của thành phố đang được đầu tư ngày càng hiện đại, thái độ phục vụ của đội ngũ tài xế, nhân viên cũng đã được cải thiện đáng kể. Thực tế, sau khi tăng giá vé, các doanh nghiệp vận tải, các hợp tác xã cũng cam kết nâng cao và hoàn thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân. Không những vậy, ngành Vận tải hành khách công cộng chủ động thực hiện một loạt biện pháp đồng bộ để phát triển bền vững như: Đầu tư mới phương tiện, cung ứng dịch vụ theo nhu cầu hành khách, dành ưu tiên cho xe buýt trong lưu thông, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển loại hình xe công cộng...

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố, đến nay thành phố có gần 1.200 phương tiện mới, trong đó có khoảng 428 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Hiện Sở Giao thông - Vận tải đã kiến nghị UBND thành phố tiếp tục chương trình đầu tư phương tiện mới này và dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm hơn 800 xe buýt mới, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Về phát triển hạ tầng, ngành Giao thông vận tải thành phố cải tạo bến xe buýt, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng thẻ thông minh, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng giá vé, nâng chất lượng phục vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.