(HNM) - Theo Thông tư số 17/2012/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện, kể từ ngày 1-7-2012, giá bán điện bình quân là 1.369 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 65 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.304 đồng/kWh).
Tuy nhiên, giá điện năm 2012 vẫn còn nhiều khoản phải treo lại nhưng bức tranh tài chính của EVN phần nào sáng sủa hơn, hy vọng hơn trong thực hiện các dự án điện trọng điểm trong giai đoạn trước mắt. Việc tăng giá bán điện còn giải quyết khó khăn bấy lâu nay về giá bán than cho sản xuất điện và cho cả các nhà máy nhiệt điện khí ngoài EVN.
Nâng cấp trạm biến áp bảo đảm cung cấp điện thường xuyên, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Ảnh: Ngọc Hà |
Theo Thông tư số 42/2011/TT-BCT ngày 19-12-2011 của Bộ Công thương quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện thì các khoản chi phí còn treo lại chưa tính vào giá bán điện của năm 2010, 2011 và chưa được tính vào giá bán điện năm 2012, trong đó các khoản chi phí còn treo lại chưa tính vào giá bán điện năm 2012 gồm: Chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ đến ngày 31-12-2010 là hơn 15.462 tỷ đồng; chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2010 trở về trước còn lại chưa phân bổ là 356 tỷ đồng; chi phí phát sinh tăng thêm trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao khoảng hơn 8.040 tỷ đồng.
Khoản chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối năm 2011 là 11.204 tỷ đồng và lỗ SXKD điện năm 2011 của EVN là 6.136 tỷ đồng nhưng EVN lấy lợi nhuận từ các hoạt động khác bù vào nên số lỗ còn lại khoảng 2.589 tỷ đồng. Tổng cộng các khoản chưa được tính vào giá điện là 37.652 tỷ đồng.
Để thực hiện giá bán điện bình quân cho các ngành sản xuất từng bước tiến tới không thấp hơn giá thành sản xuất, kinh doanh điện, giữ ổn định giá bán điện cho người sử dụng điện tiết kiệm bằng hoặc dưới 50kWh/tháng, hạn chế tác động giá điện đối với các hộ sử dụng đến 100kWh/tháng, tăng giá bán điện được áp dụng từ ngày 1-7-2012 điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện theo hướng tăng giá bán cho các ngành sản xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp, kinh doanh và sinh hoạt từ nấc thang thứ 3 từ 101-150 kWh/tháng trở lên theo cơ cấu tối đa cho phép theo Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ so với giá bán bình quân, tăng ở mức thấp hơn vào nấc thang 0-100kWh. Cụ thể: tăng giá bán cho các ngành sản xuất 5,28%; tăng giá bán cho các cơ quan hành chính sự nghiệp 5,52%; tăng giá bán cho mục đích kinh doanh 5,43% và đối với giá bán điện sinh hoạt, giá bán buôn cho điện nông thôn, cho khu tập thể cụm dân cư, sinh hoạt chung cư cao tầng thì để không ảnh hưởng đến người nghèo, tiếp tục giữ nguyên như giá bán điện hiện hành đối với hộ sử dụng điện từ 0-50kWh; tăng 2,58% đối với hộ sử dụng từ 0-100kWh. Đối với hộ sử dụng từ 101kWh/hộ/tháng trở lên, mức tăng tùy thuộc vào cơ cấu tỷ trọng so với mức giá bình quân tại Quyết định 268.
Căn cứ vào dự báo sản lượng điện thương phẩm từ ngày 1-7-2012 đến 31-12-2012, đánh giá tác động của việc tăng giá điện 5% so với giá bình quân đang áp dụng thì các ngành sản xuất sẽ tăng chi phí khoảng 2.024 tỷ đồng; cơ quan hành chính sự nghiệp tăng chi phí khoảng 163 tỷ đồng; các đơn vị kinh doanh dịch vụ tăng chi phí khoảng 359 tỷ đồng.
Chốt chỉ số công tơ tại trạm 110kV Trình Xuyên (Nam Định). Ảnh: Ngọc Hà |
Đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt, hộ sử dụng 50kWh/tháng không bị tác động từ tăng giá điện lần này do tiêu thụ điện ở mức này được giữ nguyên giá bán điện là 993đồng/kWh. Hộ sử dụng 100kWh tăng chi 3.200 đồng; hộ sử dụng 150kWh/tháng tăng chi 8.300 đồng; hộ sử dụng 200kWh/tháng tăng chi 27.150 đồng; hộ sử dụng 300kWh/tháng tăng chi 40.550 đồng; hộ sử dụng 400kWh/tháng tăng chi 54.250 đồng.
Tuy giá bán điện tăng 5% so với giá bình quân đang áp dụng nhưng ở mức kiềm chế do chỉ phân bổ một phần lỗ của năm 2010, một phần lỗ mua điện ngoài ngành và giá bán cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ ở mức thấp mức bình quân chung. Theo tính toán của các ngành chức năng giá điện bình quân của Việt Nam hiện là 5,6 cent; trong khi tính đúng, tính đủ chi phí, mức giá vào khoảng 9,6 cent.
* Sáng 1-7, hơn 2.500 công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đã đồng loạt ra quân thực hiện chốt chỉ số công tơ cho 137.934 khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt.
Để triển khai giá bán điện mới các công ty điện lực trên địa bàn Hà Nội đã gửi giấy thông báo kế hoạch chốt chỉ số công tơ tới các khách hàng trên và đề nghị phối hợp cùng điện lực trong việc giám sát kiểm tra việc chốt chỉ số công tơ. Đối với những khách hàng chốt được chỉ số công tơ, ngành điện sẽ căn cứ vào chỉ số chốt để xác định lượng điện năng tương ứng với biểu giá cũ và biểu giá mới, làm căn cứ để lập hóa đơn tiền điện trong kỳ thay đổi giá. Đối với những khách hàng mua điện sinh hoạt không chốt chỉ số công tơ điện vào ngày 1-7-2012 thì việc xác định phần điện năng sử dụng tính theo giá điện cũ và giá điện mới sẽ được tính toán theo nguyên tắc nội suy sản lượng và làm tròn số học.
Từ ngày 1-7, bắt đầu mua điện giá cạnh tranh (HNM) - Ngày 1-7, thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu đi vào hoạt động cùng ngày với việc áp dụng giá bán lẻ mới, tăng 5% so với giá bán điện bình quân đang áp dụng. Theo danh sách vừa được Bộ Công thương phê duyệt, sẽ có 29 nhà máy điện trực tiếp nộp bản chào giá với EPTC, với tổng công suất lắp đặt khoảng 9.035 MW. Trong số này có 13 nhà máy thủy điện, 11 nhà máy nhiệt điện than, 5 nhà máy tuabin khí. Với cơ chế cạnh tranh, 29 nhà máy điện sẽ trực tiếp nộp bản chào giá với Công ty Mua bán điện (EPTC), hiện là đơn vị duy nhất được phép mua buôn từ tất cả các đơn vị phát điện tham gia thị trường và bán buôn cho các công ty phân phối điện. Trong danh sách này còn có 26 nhà máy điện gián tiếp tham gia vào thị trường, tùy từng nhà máy sẽ do Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) công bố biểu đồ huy động, biểu đồ phát hoặc do Công ty Mua bán điện chào giá thay. 18 nhà máy điện khác tạm thời gián tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Các nhà máy này sẽ do Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) tính toán và công bố biểu đồ phát cho các nhà máy. Hiện nay, ngoài EVN đang cung ứng 55% sản lượng điện trên toàn hệ thống, còn có Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng tham gia sản xuất với tỷ trọng lần lượt là 11% và 5%. Thị trường phát điện cạnh tranh là bước đầu trong lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động vận hành và định giá điện, thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện mới. Minh Quang |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.