(HNM) - Chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, đến nay hầu hết các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã hoàn tất việc dự trữ hàng hóa với mức tăng 20-25% so với năm ngoái.
Theo Sở Công thương Hà Nội, dự kiến thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2014, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng khoảng 15-18% so với các tháng trong năm, tập trung vào một số nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát. Riêng một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ có thể tăng hơn 20%. Ngành công thương Hà Nội đã liên kết với các tỉnh, thành phố khác để cung ứng hàng hóa hai chiều, góp phần cân đối cung cầu trên địa bàn. Thành phố chỉ đạo 13 DN tham gia bình ổn giá dự trữ đúng lượng hàng đã cam kết tương ứng với số vốn 318 tỷ đồng được thành phố tạm ứng. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn, các DN đã chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng được giao dự trữ, với số tiền lên đến 630 tỷ đồng.
Các siêu thị sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Giáp Ngọ. Ảnh: Như Ý |
Hầu hết các siêu thị đã hoàn tất kế hoạch dự trữ hàng hóa cho dịp Tết, với mức tăng từ 20 đến 25% so với năm ngoái. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tập trung bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, bánh chưng, giò, nem, bánh kẹo, nước giải khát… Tổng nguồn vốn chuẩn bị cho đợt này dự kiến khoảng 1.100 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Tổng công ty sẽ triển khai thêm các quầy bán hàng lưu động, tham gia phiên chợ Tết tại các huyện ngoại thành, hội chợ Xuân… Siêu thị Hiway đã nhập hơn 40.000 mặt hàng, tập trung vào hàng lương thực, thực phẩm, điện máy, đồ gia dụng… Hiway đã ký hợp đồng sớm với các nhà cung cấp để có nguồn hàng ổn định, góp phần bình ổn giá tốt hơn trong dịp Tết. Siêu thị Big C đã chuẩn bị khoảng 400 tấn thịt và tiếp tục cung ứng các mặt hàng trái cây, bổ sung thêm một số đặc sản như bánh chưng gấc, măng ngâm mắc mật và các loại bánh đặc trưng vùng miền như bánh nẳng, bánh mật, bánh tét hương vị miền Tây Nam bộ, đặc sản lạp xưởng Sóc Trăng, giỏ quà tặng… Hàng được lựa chọn từ các nhà cung cấp lớn, bảo đảm chất lượng.
Với 610 điểm bán hàng bình ổn, trong đó có 278 điểm tại khu vực ngoại thành, 58 điểm bán hàng tại các chợ và 193 bếp ăn tập thể… và 150 chuyến bán hàng lưu động, sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Ban Chỉ đạo 127 Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tập trung đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm hoạt động có tính chất liên tuyến, liên tỉnh, các địa bàn phức tạp, các tuyến giao thông; đồng thời, chủ động làm tốt công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong tháng Tết Giáp Ngọ khoảng 38.000 tỷ đồng. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nhân dân trên địa bàn bình quân trong tháng khoảng 55.000 tấn gạo, 8.500 tấn thịt lợn, 4.250 tấn thịt gà, 75 triệu quả trứng gia cầm, 3.400 tấn thủy hải sản tươi, đông lạnh; 4,2 triệu lít dầu ăn và khoảng 65.000 tấn rau củ quả tươi… Trong đó, lượng hàng hóa Hà Nội có thể tự cung cấp được trong tháng, gồm 20.000 tấn gạo, 2.100 tấn thịt gà thương phẩm, 30 triệu quả trứng gia cầm, 510 tấn thủy hải sản tươi và đông lạnh, 800 tấn thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm và khoảng gần 36.000 tấn rau củ quả tươi. Riêng thịt lợn móc hàm, Hà Nội có thể cung cấp đủ cho nhu cầu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.