Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng ''độ phủ'' của hàng Việt tại thị trường EU

Lam Giang| 29/11/2022 06:59

(HNM) - Sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), xuất khẩu của Việt Nam tới Liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, dung lượng của thị trường EU còn rất lớn, do đó cần phải triển khai nhiều giải pháp để tăng “độ phủ” của hàng Việt tại thị trường tiềm năng này.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải An

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho biết, sau khi EVFTA được thực thi, EU đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Đặc biệt, trong 2 năm đầu thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình khoảng 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn mức trung bình năm của giai đoạn 2016-2019 (đạt 33,5 tỷ USD). Riêng năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%. Đáng chú ý, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ ở các lĩnh vực sản xuất như máy móc - thiết bị tăng 43%, giày dép 54%, dệt may 44%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng tăng ở mức cao như cà phê 43,4%, thủy sản 31,6%, rau quả 23,5%, gạo 12,2%…

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, với quy mô 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm. Tuy nhiên, theo Cơ quan thống kê châu Âu, thị phần hàng hóa nhập từ Việt Nam mới chỉ chiếm 1,8% trong tổng nhập khẩu của EU. Ngoài ra, đây là thị trường đa dạng, có nhiều lợi thế với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam khi EVFTA được triển khai.

Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này còn chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều doanh nghiệp không biết những lợi ích từ EVFTA. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: Thủy sản, rau quả, dệt may có thị phần thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU, trong đó, rau quả chiếm hơn 3%, thủy sản hơn 4%, may mặc 4%... Hiện một số doanh nghiệp đã tham gia vào chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu sang EU nhưng phần nhiều vẫn chỉ ở khâu gia công hàng hóa.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất, cần chuyển từ xúc tiến thương mại cho sản phẩm của doanh nghiệp sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng để sản phẩm của Việt Nam ghi dấu ấn với khách hàng. Hiện thương vụ Việt Nam tại các nước đang phát huy vai trò kết nối doanh nghiệp với thị trường và cần tiếp tục làm tốt công tác này để hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm; tập huấn nâng cao năng lực tiếp cận thị trường; vượt qua các rào cản về kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm...

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đinh Cao Khuê cho rằng, vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh. “Để làm được điều này, doanh nghiệp cần làm tốt hai vấn đề, thứ nhất là chất lượng hàng hóa phải tốt, thứ hai là giá thành phải hợp lý. Mặt khác, doanh nghiệp cần đầu tư vào sản xuất lớn để có thể áp dụng công nghệ hiện đại, từ phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc và đặc biệt là tăng năng suất lao động, giảm giá thành để tăng cạnh tranh”, ông Đinh Cao Khuê nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng ''độ phủ'' của hàng Việt tại thị trường EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.