Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATLĐ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tuấn Việt| 14/03/2019 14:08

(HNMO) - Sáng 14-3, Đoàn giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội do đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về thực hiện chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2018.


Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai cùng dự.

Tính đến 31-12-2018, thành phố Hà Nội có khoảng 3,8 triệu lao động có việc làm; hơn 255.000 doanh nghiệp; khoảng 1.350 làng nghề trong đó 300 làng nghề được công nhận; 9 khu công nghiệp, chế xuất; 111 cụm công nghiệp đã và đang triển khai xây dựng… Thành phố đã tổ chức 209 hội nghị tập huấn; lắp đặt hơn 5.700 pano tuyên truyền, phát 4.000 cuốn Luật An toàn, vệ sinh lao động, cùng nhiều tài liệu khác nhằm hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động…

Về công tác xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, 10 năm qua, ngành Y tế Thủ đô có bước chuyển tích cực. Nhiều đơn vị đã chuyển từ ngân sách nhà nước bao cấp hoàn toàn cho hoạt động của đơn vị sự nghiệp công sang thực hiện xã hội hóa; chuyển từ viện phí sang giá dịch vụ, khắc phục tình trạng bao cấp tràn lan…

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, dù đã tích cực triển khai tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, nhưng người lao động, chủ sử dụng lao động nhận thức về vấn đề này còn hạn chế. Vì thế, 2 năm gần đây, các vụ tai nạn lao động trên địa bàn Hà Nội tăng cả số vụ và nạn nhân, đa số ở khu vực không có hợp đồng lao động. Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động hạn chế. Nguyên nhân do quy mô dân số lớn, lao động di cư tăng, công tác thanh tra lao động hạn chế...

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện 2 giải pháp chính là tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng quy chế phối hợp, kết hợp thanh tra xây dựng với thanh tra an toàn lao động. Về công tác chăm sóc khỏe nhân dân, thành phố Hà Nội phấn đấu làm tốt công tác dự phòng theo phương châm chủ động tuyên truyền đến toàn dân; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công lập, chú trọng tập huấn, đào tạo ca, kíp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh.

Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung đầu tư cho y tế cơ sở về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực để giảm tải cho tuyến trên. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ quản lý tốt cơ sở hành nghề y tế tư nhân; kiểm soát hệ thống bán dược phẩm qua công nghệ thông tin; tiếp tục tăng cường công tác xã hội hóa trong ngành Y tế.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát Bùi Sỹ Lợi nhận định, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, tích cực, trách nhiệm hai nội dung trên và có chuyển biến căn bản.

Đồng tình với các giải pháp của thành phố, đồng chí Bùi Sỹ Lợi đề nghị Hà Nội tiếp tục dành nguồn lực cho công tác tuyên truyền toàn diện, rộng khắp, trong đó chú trọng một số lĩnh vực có nguy cơ tai nạn lao động cao. Cùng với đó, tiếp tục tập huấn về an toàn lao động cho khu vực nông nghiệp, nông thôn - nơi hầu như người lao động không được ký hợp đồng lao động.

Về Nghị quyết số 18/2008/QH12, Trưởng đoàn giám sát đề nghị thành phố tập trung xây dựng, phát triển tuyến y tế cơ sở; cải cách tài chính y tế, tăng tỷ lệ đầu tư cho y tế dự phòng; phát triển bảo hiểm y tế trong học sinh, sinh viên và thực hiện xã hội hóa trong y tế bảo đảm quyền lợi hài hòa các bên, đồng thời kiểm soát tốt cả chuyên môn, nhân lực, nhất là các phòng khám có yếu tố nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATLĐ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.