(HNM) - Qua một năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở quận Long Biên và 14 phường trên địa bàn quận đã hoàn thành vượt chỉ tiêu thành phố giao. Dù còn không ít khó khăn, song lực lượng này đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.
Hiệu quả bước đầu
Từ năm 2016, Hà Nội triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường. Với những kết quả tích cực sau thí điểm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 10-7-2019, Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Đây là lực lượng có chuyên môn, được đào tạo, triển khai bài bản, có chức năng, nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm theo kế hoạch và đột xuất để giải quyết vấn đề “nóng” về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, công tác thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được quận Long Biên và 14 phường trên địa bàn quận tập trung thực hiện từ ngày 10-7-2019 đến 10-7-2020. Bà Lương Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Y tế quận Long Biên cho biết, trong 1 năm qua, quận và 14 phường đã khắc phục các khó khăn, ảnh hưởng do dịch Covid-19 để hoàn thành vượt chỉ tiêu thành phố giao về tỷ lệ cơ sở thuộc phân cấp quản lý được thanh tra ở cả cấp quận và cấp phường (cấp quận 25%, cấp phường 50%).
Cụ thể, cấp quận đã thanh tra được 227/843 cơ sở (chiếm tỷ lệ 26,9%, vượt so với chỉ tiêu 1,9%); cấp phường thanh tra được 1.365/2.598 cơ sở (chiếm tỷ lệ 52,5%, vượt so với chỉ tiêu 2,5%). Mặt khác, xử phạt vi phạm hành chính đối với 100% cơ sở vi phạm, trong đó cấp quận xử phạt 42 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 122 triệu đồng, cấp phường xử phạt 112 cơ sở với tổng số tiền phạt 195 triệu đồng.
Cũng theo bà Lương Thị Minh Nguyệt, các nội dung vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra chủ yếu là thiết bị bảo quản thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh, khu vực sản xuất, chế biến không bảo đảm vệ sinh, chưa công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
“Hiện, trên địa bàn quận Long Biên có 3.709 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống. Với số lượng các cơ sở thực phẩm trên địa bàn lớn như vậy nhưng nhờ việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đã giúp cho nhận thức về an toàn thực phẩm của người kinh doanh, chế biến thực phẩm được nâng lên rõ rệt”, bà Lương Thị Minh Nguyệt nói.
Ông Lương Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Gia Thuỵ (quận Long Biên) cũng cho rằng, các trường hợp vi phạm và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn đã giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước, không có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản nâng hạng xếp loại từ C lên A, B; không có cơ sở đạt loại C.
Còn theo ông Nguyễn Kim Ánh, Chủ tịch UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên), các đoàn thanh tra chuyên ngành thường xuyên, liên tục thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này, bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Tiếp tục giữ vững kết quả đạt được
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm vẫn còn không ít khó khăn. Ông Nguyễn Kim Ánh cho rằng, phần lớn các cán bộ được giao thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành tại địa bàn phường đều kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Thêm vào đó, phường triển khai thí điểm thanh tra lần đầu, do đó, lực lượng công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế trong khi quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp, cho nên gặp khó khăn khi thực hiện…
Theo ông Lương Thành Trung, đối tượng được thanh tra cấp phường chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, địa điểm kinh doanh không cố định, trong khi cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra tại phường không ổn định vì thường xuyên có sự thay đổi, luân chuyển…
Trước thực tế trên, bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên yêu cầu, các đơn vị chức năng và UBND 14 phường cần khắc phục khó khăn, bám sát vào các mục tiêu của công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn và chỉ đạo của thành phố. Mặt khác, các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cần phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong quản lý an toàn thực phẩm, tiếp tục thí điểm thanh tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đánh giá cao những kết quả đạt được của quận Long Biên, đồng thời đề nghị quận cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra an toàn thực phẩm trong thời gian tới để giữ vững những kết quả đã đạt được.
“Trong quá trình triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, bước đầu sẽ không tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta vừa làm, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc vì mục tiêu kiểm soát tốt hơn nữa chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.