(HNM) - Du lịch Việt Nam có sự khởi sắc dần từ cuối tháng 10-2021 sau khi nhiều tỉnh, thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, áp dụng giải pháp phục hồi theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nhiều giải pháp kích cầu du lịch được thực hiện, trong đó việc truyền thông, quảng bá được tăng cường với những hình thức đa dạng, giúp du lịch Việt Nam thu hút khách nội địa và khách quốc tế đến trải nghiệm.
Đa dạng hình thức truyền thông
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn, song công tác truyền thông, quảng bá được đẩy mạnh hơn. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, truyền thông, quảng bá là một trong 6 nhóm giải pháp trọng tâm về triển khai các giải pháp kích cầu phục hồi hoạt động lữ hành và du lịch mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra. “Dù còn khó khăn, nhưng du khách trong và ngoài nước cần được thông tin đầy đủ về du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn, chất lượng”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Trên thực tế, việc triển khai kế hoạch quảng bá đã được Tổng cục Du lịch thực hiện liên tục và thông suốt với nhiều hoạt động: Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam; xây dựng các video clip quảng cáo; quảng bá trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế như trang vietnam.travel, các mạng xã hội Facebook, Instagram, Pinterest, Youtube, Tiktok… Đặc biệt, từ đầu năm 2021, Tổng cục Du lịch đã thực hiện chiến lược truyền thông “Việt Nam - Đi để yêu!” trên Youtube, với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng. Nhiều video quảng bá du lịch đã thu hút hàng triệu lượt người xem chỉ sau thời gian ngắn ra mắt, như: “Việt Nam - Đi để yêu!: Điểm đến văn hóa và ẩm thực” (tháng 2-2021); “Việt Nam - Đi để yêu!: Đất nước, con người” (tháng 6-2021)… Ngày 22-11 vừa qua, Tổng cục Du lịch đã triển khai chiến dịch xúc tiến, quảng bá mang tên “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) gắn với bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia Vietnam - Timeless Charm (tạm dịch: Sự quyến rũ vượt thời gian).
Đánh giá hiệu quả của các hoạt động truyền thông, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sự nỗ lực quảng bá du lịch trong thời gian qua đã giúp thị trường nội địa “ấm” lên. Công tác thí điểm đón khách quốc tế đạt hiệu quả, khi chưa đầy 1 tháng mở cửa, Việt Nam đã đón hơn 1.000 khách quốc tế, sẵn sàng cho việc đón khách quốc tế giai đoạn 2 từ tháng 1-2022. Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, hiệu quả từ việc quảng bá đã giúp du khách bớt e dè, yên tâm hơn khi trải nghiệm hoạt động du lịch an toàn. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nga (phường Nhật Tảo, quận Tây Hồ) cho hay, từ quảng bá trên Đài Truyền hình Việt Nam, mạng xã hội của ngành Du lịch, gia đình chị đã đến Nha Trang (Khánh Hòa) du lịch trong tháng 11 vừa qua và chuyến đi diễn ra an toàn.
Tăng sức hấp dẫn của điểm đến
Hưởng ứng các chiến dịch truyền thông của Tổng cục Du lịch, nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh quảng bá du lịch với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn. Các điểm đến như: Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), thành phố Hồ Chí Minh… đã đồng loạt quảng bá điểm đến an toàn, chất lượng.
Tại Hà Nội, công tác quảng bá du lịch luôn được đầu tư, chú trọng. Điển hình là hợp tác truyền thông giữa thành phố Hà Nội với kênh truyền hình CNN của Mỹ từ năm 2019, đã mang đến hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Hà Nội. Để triển khai Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 8-4-2021 của UBND thành phố Hà Nội về tuyên truyền quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội năm 2021, Sở Du lịch đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phát sóng phim, clip, phóng sự tuyên truyền điểm đến du lịch Hà Nội, với chủ đề “Hà Nội - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Chương trình được triển khai đồng loạt với tần suất lớn, qua các chương trình: “S Việt Nam”, "VTV Travel - Du lịch cùng VTV”, “V Việt Nam”, “Ẩm thực đường phố”… Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội còn phối hợp cùng chương trình VTV Travel phát động cuộc thi ảnh “Có một Hà Nội như thế”, nhằm quảng bá hình ảnh, du lịch Hà Nội.
Để công tác truyền thông đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các địa phương cần kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại trong quảng bá để hấp dẫn du khách. Còn theo Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về các hình thức du lịch an toàn.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, để phục hồi du lịch Thủ đô, thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên báo chí và các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức nhiều sự kiện, như: Lễ hội quà tặng, Lễ hội áo dài, Lễ hội ẩm thực… để góp phần quảng bá điểm đến Hà Nội an toàn, hấp dẫn, chất lượng, nhằm sớm phục hồi du lịch nội địa, sẵn sàng đón khách quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.