(HNM) - Nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, vừa qua UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”. Để hiện thực hóa mục tiêu của kế hoạch, cơ quan chuyên môn, các quận, huyện, thị xã đang có kế hoạch cụ thể để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà:
Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành và kiểm tra đột xuất
Theo tôi, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND là hết sức cần thiết. Từ mục tiêu của kế hoạch là 100% chợ phải được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, Sở Y tế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành và tập trung chỉ đạo cấp huyện, cấp xã tiếp tục kiểm tra đột xuất việc bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ. Đề nghị các đoàn kiểm tra của địa phương cần kiên quyết xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm. Sau xử lý, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp huyện phải giám sát việc khắc phục vi phạm và sau khi thẩm định, cơ sở đó phải khắc phục được tồn tại, tuân thủ đầy đủ quy định thì mới được phép hoạt động trở lại.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Đẩy mạnh thanh tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm
Với nhận thức, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài nên những năm qua Sở Công Thương Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Theo mục tiêu, đến hết tháng 12-2022, phấn đấu 100% đơn vị quản lý chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% đơn vị quản lý chợ xây dựng, ban hành quy chế về quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm, Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên nắm bắt khó khăn, vướng mắc; kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, giám sát các sự kiện kết nối cung cầu, hướng dẫn về bảo quản thực phẩm, cấp biển nhận diện cho các cơ sở đáp ứng yêu cầu của Đề án.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng:
Bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm
Để nâng cao nhận thức, hành động của nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng, thời gian qua huyện Quốc Oai quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, hành vi của các nhóm đối tượng. Trung tâm Văn hóa thể thao huyện mở nhiều chuyên trang, chuyên mục với nội dung phù hợp, thiết thực nhằm tuyên truyền quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất trong thực hiện quy định an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm mọi vi phạm. Trước mắt, huyện tập trung tuyên truyền yêu cầu của Đề án là: "50% cơ sở mở hệ thống sổ sách, ghi chép,... để thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm", yêu cầu tiểu thương thực hiện và tạo thói quen cho người tiêu dùng trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm...
Trưởng ban Quản lý chợ Cầu Giấy Bùi Doãn Dũng:
Nguồn hàng vào chợ phải bảo đảm an toàn
Nhằm bảo đảm tốt nhất việc cung ứng hàng hóa đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, Ban Quản lý chợ Cầu Giấy đã xây dựng kế hoạch triển khai tại tất cả các chợ trên địa bàn quận. Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm tại chợ thực hiện nghiêm việc ghi chép, lưu giữ chứng từ liên quan để có thể truy xuất được nguồn gốc thực phẩm của chủ quầy, sạp đang kinh doanh tại chợ theo quy định pháp luật; thường xuyên kiểm tra, rà soát, theo dõi việc thực hiện các giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan đến kinh doanh thực phẩm, chấp hành quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, nội quy chợ.
Bà Nguyễn Phương Anh, tổ dân phố số 8, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên:
Cần công khai kết quả thực hiện
Tôi thấy, Đề án đặt ra yêu cầu đến hết tháng 12-2022: 100% chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 30% so với thời điểm chưa thực hiện Đề án; tối thiểu 50% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây dựng mới đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại... Đây là những chỉ tiêu rất cụ thể gắn với mốc thời gian phải hoàn thành. Tôi mong ngay trong năm nay, các mục tiêu này được thực hiện, công khai kết quả để người dân nắm và cùng cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện, để hệ thống chợ trên địa bàn thành phố văn minh, bảo đảm an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.