(HNM) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 221/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó đặc biệt quan tâm xử lý các cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu. Thực hiện chỉ đạo trên, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động vào cuộc, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà:
Triển khai nhiều giải pháp phù hợp
Những năm qua, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm được lãnh đạo thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp góp phần giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm và sử dụng rượu không an toàn. Hiện, Sở tiếp tục tăng cường quản lý chặt sản xuất rượu thủ công, rượu pha chế; đẩy nhanh tiến độ rà soát, hướng dẫn tổ chức cấp giấy phép cho các cơ sở sản xuất rượu thủ công; quy định việc bán rượu tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, Sở cũng giám sát chặt chẽ, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm; phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền tác hại của việc uống rượu, bia; đẩy mạnh kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm, rượu và nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn...
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên:
Chủ động rà soát, đẩy mạnh kiểm tra
Để bảo đảm phòng, chống ngộ độc thực phẩm do rượu, bia, đồ uống có cồn gây ra, thời gian qua Cục tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Đặc biệt, xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu gây ngộ độc. Bên cạnh đó, Cục tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để vận động đoàn viên, hội viên giám sát thực hiện an toàn thực phẩm; tập trung kiểm tra việc bảo đảm tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm. Cục cũng chỉ đạo các đội quản lý thị trường địa phương chủ động rà soát, tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt lưu ý cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu rượu thủ công để kiểm tra chất lượng rượu, nhất là hàm lượng methanol; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền...
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung:
Xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng giai đoạn
Những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quận quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng giai đoạn và thời kỳ cao điểm hè, lễ, Tết. Đặc biệt, quận đã huy động sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và các phường để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tác hại của rượu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, quận chủ động hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, sản xuất, kinh doanh rượu; tăng cường chỉ đạo kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn không bảo đảm an toàn thực phẩm... Dựa trên chỉ đạo của các cấp, quận cũng sẽ tiếp tục thực hiện cách làm này với trách nhiệm cao nhất.
Bà Lại Thị Toàn, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy:
Phải là việc làm liên tục, thường xuyên
Do nhiều lý do, tình trạng lạm dụng rượu bia vẫn xảy ra phổ biến ở khắp nơi. Nguy hiểm ở chỗ, vị giác và khứu giác con người không thể phân biệt được đâu là rượu ethanol và đâu là rượu chứa độc chất methanol. Cách duy nhất để phân biệt là thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Do đó, việc các cơ quan chức năng liên tục thực hiện kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất rượu; xử lý nghiêm tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu kém chất lượng; đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng rượu bia cũng như khuyến cáo người dùng trong việc mua và sử dụng rượu… là những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc rượu.
Ông Nguyễn Văn Trung, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm:
Hãy luôn là người tiêu dùng thông thái
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu, trong đó đáng chú ý nhất là vụ 8 người bị ngộ độc rượu tại thành phố Hồ Chí Minh khiến 2 người tử vong. Ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn, rượu ngâm thuốc, ngâm thực vật chứa chất độc, ngâm động vật… Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, theo tôi người bán hàng cần nhập hàng có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Về phía người mua, hãy luôn là người tiêu dùng thông thái, biết chọn mua rượu do cơ sở uy tín sản xuất và trang bị cho mình kiến thức khi sử dụng rượu, cách nhận biết và xử trí khi tình trạng ngộ độc rượu xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.