(HNM) - Chuyến công du tới Afghanistan và Pakistan vừa kết thúc của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được nhận định là nhằm triển khai chiến lược an ninh mới của Mỹ trong bối cảnh bất ổn đang gia tăng, đặc biệt tại Afghanistan.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) gặp Tổng thống Ashraf Ghani tại căn cứ Không quân Bagram (Afghanistan). |
Đây lần đầu tiên ông Tillerson tới quốc gia Nam Á trong vai trò Ngoại trưởng Mỹ. Trong chuyến thăm này, người đứng đầu ngành ngoại giao xứ Cờ hoa một lần nữa khẳng định cam kết của Mỹ hỗ trợ Afghanistan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Mục tiêu quan trọng là để phiến quân Taliban và các nhóm cực đoan khác nhận được thông điệp rằng, chúng sẽ không có cơ hội giành chiến thắng trên mặt trận quân sự.
Chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Tillerson đến Afghanistan được cho là xuất phát từ thực trạng bất ổn gia tăng tại quốc gia Nam Á này thời gian qua. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần đã xảy ra 7 vụ tấn công tại Afghanistan, làm hơn 200 người thiệt mạng. Trong đó, Taliban đã nhận trách nhiệm về phần lớn các vụ khủng bố nhằm phản đối quyết định tăng quân tới Afghanistan của nước này.
Sau làn sóng tấn công đẫm máu khắp Afghanistan vài ngày qua, chuyến công du tới Kabul của Ngoại trưởng Tillerson đã thể hiện những bước đi cứng rắn hơn của Mỹ đối với Taliban. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng đã quyết định cử những nhóm nhỏ đặc vụ có kinh nghiệm đến quốc gia Nam Á này nhằm truy tìm và tiêu diệt các thủ lĩnh Taliban. Điều này cũng phát đi tín hiệu rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng cường nỗ lực chống khủng bố và ổn định đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
Sau Afghanistan, Ngoại trưởng Tillerson ngay lập tức lên đường tới quốc gia láng giềng Pakistan, vốn đang chịu nhiều chỉ trích từ phía Mỹ về việc thiếu hành động cụ thể trong cuộc chiến chống Taliban và các nhóm cực đoan. Một trong những nội dung thảo luận quan trọng của nhà ngoại giao Mỹ với các quan chức Pakistan là Islamabad phải tăng cường chống lại các tổ chức vũ trang đang đóng tại biên giới với Afghanistan. Thực tế, lâu nay Mỹ và Afghanistan vẫn cáo buộc tàn quân Taliban, đặc biệt là mạng lưới Haqqani là nhóm gây nhiều đổ máu nhất, đã thiết lập nhiều nơi trú ẩn an toàn trên lãnh thổ Pakistan.
Tuy nhiên, Islamabad khẳng định nước này đã giải tỏa tất cả những căn cứ địa của phiến quân thông qua một chiến dịch quân sự càn quét các khu vực bộ tộc gần biên giới Afghanistan. Vì mâu thuẫn đó, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan đã trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng. Sức ép càng dồn lên Islamabad sau khi Tổng thống D.Trump công bố chiến lược quân sự mới ở Afghanistan. Kế hoạch này đang đón nhận những ý kiến trái chiều. Một số người lo ngại rằng việc tăng cường hiện diện sẽ khiến Mỹ bị sa lầy ở Afghanistan.
Trong khi đó, số khác lại cho rằng quyết định rút quân toàn bộ có nguy cơ để lại những lỗ hổng khi chính quyền Kabul chưa đủ sức tự quản về an ninh. Do vậy, Ngoại trưởng Tillerson kêu gọi Pakistan phải có cách tiếp cận khác trong vấn đề chống khủng bố, đồng thời đề nghị Mỹ sẵn sàng giúp Islamabad tự bảo vệ trước các tổ chức phiến quân.
Sự can dự quân sự của Mỹ tại Afghanistan bước sang năm thứ 16 và đã không ít lần phải thay đổi chiến lược. Dù luôn cam kết hoàn thành sứ mệnh bảo an ở Afghanistan, nhưng nhiều năm qua Nhà Trắng chưa đạt được mục tiêu lập lại ổn định cho quốc gia Nam Á này. Thực trạng đó khiến nhiệm vụ tìm lời giải cho bài toán an ninh tại Afghanistan trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Tổng thống D.Trump. Vì thế, với quyết tâm triển khai chiến lược mới, Washington sẽ phải tiếp tục gánh vác một trách nhiệm nặng nề, phức tạp và tốn kém.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.