(HNM)- Ngày 16-7, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (NQ 54 của BCT) về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã làm việc với Tỉnh ủy Hà Nam và Tỉnh ủy Ninh Bình.
|
Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên BCT, Phó trưởng Ban chỉ đạo NQ 54 phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hà Nam. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Theo báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trần Xuân Lộc, NQ 54 của BCT đã được Tỉnh ủy Hà Nam cụ thể thành 10 chương trình và 15 đề án trọng tâm phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng và công tác xây dựng Đảng. Một mặt tăng cường hợp tác với Hà Nội trên các lĩnh vực sản xuất và cung ứng lương thực, thực phẩm, đầu tư, xử lý môi trường, du lịch; mặt khác Hà Nam tích cực phối hợp với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm GDP của tỉnh tăng bình quân 13,1%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 16,43 triệu đồng/người. Giai đoạn 2006-2010, Hà Nam đã thu hút vốn đầu tư được 29.500 tỷ đồng (gấp 5 lần giai đoạn 2001-2005) để phát triển mạnh công nghiệp (hình thành 8 khu công nghiệp), nông nghiệp hàng hóa và dịch vụ… Qua 5 năm thực hiện NQ 54, Hà Nam đã phát huy được lợi thế là cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội, tận dụng nguồn vốn hỗ trợ 296 tỷ đồng của TƯ triển khai 16 dự án, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Tại tỉnh Ninh Bình, báo cáo với đồng chí Phạm Quang Nghị, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, tinh thần NQ 54 của BCT đã trở thành quan điểm chỉ đạo cơ bản trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn liền với an ninh, quốc phòng, TTATXH của tỉnh. Nguồn vốn hơn 220 tỷ đồng TƯ hỗ trợ thực hiện NQ đã được sử dụng hiệu quả, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đúng mục tiêu. Kết quả thực hiện NQ 54 đã góp phần quan trọng đưa Ninh Bình từ một tỉnh có nhịp độ phát triển thấp, quy mô kinh tế nhỏ, trở thành tỉnh trung bình khá trong khu vực. GDP bình quân đầu người từ 5,57 triệu đồng năm 2005 tăng lên 20,9 triệu đồng/người năm 2010. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, GDP năm 2010 đạt trên 7 nghìn tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2005. Bên cạnh đó, Ninh Bình đã tạo dựng được mối liên kết với các tỉnh trong vùng.
Tuy nhiên, cả Hà Nam và Ninh Bình vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển KT-XH. Đó là tốc độ tăng trưởng chưa cao, tích lũy kinh tế còn thấp, sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ và chưa có sức cạnh tranh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, phát triển xã hội chưa đồng bộ với phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa chậm và còn nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm, xử lý ô nhiễm môi trường. Hai tỉnh còn chưa tận dụng và phát huy tối đa mối liên kết giữa các vùng trong địa phương và giữa địa phương với các tỉnh trong khu vực; trong hội nhập kinh tế quốc tế chưa tạo được bước đột phá, chưa thu hút mạnh đầu tư…
Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên BCT, Phó Trưởng ban chỉ đạo tổng kết NQ 54 đánh giá cao kết quả thực hiện NQ 54 của hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình. Đối với tỉnh Hà Nam, đồng chí chỉ đạo, tỉnh cần rà soát quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành để phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chất lượng cao, giải quyết nhiều việc làm và tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, Hà Nam cần sử dụng tiết kiệm quỹ đất, quan tâm phát triển các làng nghề, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường Hà Nội. Hà Nam có nhiều thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng diện phải di dời khỏi TP Hà Nội, tỉnh cần tận dụng tốt cơ hội này.
Đối với tỉnh Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Nghị đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch chung về KT-XH, quy hoạch ngành một cách khoa học, có tầm nhìn xa, xác định rõ lợi thế về du lịch, vị trí địa lý, tài nguyên, lao động, ban hành cơ chế chính sách khai thác hiệu quả và đầu tư xây dựng các sản phẩm chủ lực nhằm giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách. Đặc biệt, Ninh Bình cần phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo của nhân dân; xác định được hướng phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường; đầu tư tối đa cho "tam nông" để bảo đảm ổn định chính trị, chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân.
Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Quang Nghị đề nghị các bộ, ngành chức năng ưu tiên nâng cấp hai tuyến đường Cầu Giẽ - Ninh Bình và quốc lộ 1A đoạn Phủ Lý - Ninh Bình, nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tăng sự liên kết cùng phát triển của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.