Văn hóa

Tăng cường giải pháp bảo vệ, phát huy di sản một cách bền vững

Nguyễn Thanh 26/08/2023 - 17:38

Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh ngày 26-8 xác định cần có lộ trình tiếp cận vấn đề, chiến lược lâu dài, hướng tới quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể một cách bền vững.

Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, nghệ nhân, đại diện cộng đồng chủ thể của di sản trên cả nước.

Nhận diện rõ vai trò, vị trí các bên trong bảo vệ di sản

img-7755-1-.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhằm bảo vệ, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần lan tỏa các giá trị tới bạn bè quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng đã tạo bước chuyển quan trọng trong nhận thức của toàn xã hội về vấn đề di sản, góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng trên cả nước. Cùng với việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoạt động tôn vinh nghệ nhân, kiểm kê và lập hồ sơ ghi danh cũng giúp các nhà quản lý, nghiên cứu nhận diện rõ hơn về di sản cũng như vai trò, vị trí của các bên liên quan, góp phần định hình hoạt động quản lý của cán bộ các cấp, tạo nên bản sắc, thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và hiện là thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2023 nhiệm kỳ 2022-2026. Với nỗ lực không ngừng, tình yêu và trách nhiệm của cộng đồng thực hành di sản, chính quyền các cấp đối với di sản - thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm trong bảo vệ di sản; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

“Việt Nam hiện có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 497 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… là những minh chứng cụ thể, sinh động nhất cho những nỗ lực này”, ông Hoàng Đạo Cương nói.

Bên cạnh kết quả, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh vẫn còn những tồn tại, khó khăn đến từ thực trạng nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp quản lý về bảo vệ, phát huy di sản có nơi, có lúc còn chưa đồng đều. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản chưa được đầu tư đúng mức, thiếu chính sách, cơ chế hợp lý để thu hút, huy động nguồn lực xã hội hóa. Một số địa phương mới chỉ tập trung đưa di sản vào các danh mục mà thiếu các hoạt động bảo vệ, phát huy gắn với phát triển bền vững và hội nhập. Các giá trị, đặc trưng, hiện trạng thực hành, nguy cơ tác động dẫn tới sai lệch, mai một, thất truyền di sản… chưa được nhận diện, nắm bắt kịp thời.

Theo Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Từ Thị Loan, sau khi di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được ghi danh, số lượng cơ sở thờ tự tăng nhanh chóng đi kèm với xu hướng tùy tiện, xô bồ trong bài trí đền, điện, ban thờ. Số lượng thanh đồng, cung văn tăng lên tỉ lệ nghịch với chất lượng hoạt động. Một số đồng thầy lợi dụng tín ngưỡng phán bừa, trục lợi gây hoang mang trong cộng đồng cũng như làm mất đi tính chất vô tư của văn hóa thờ Mẫu.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng (Đền Nguyên Khiết Linh Từ 102 Hàng Bạc) nêu: “Một số thanh đồng thoải mái “sáng tạo” từ trang phục, động tác múa, đạo cụ, giá hầu mới… đến đưa hầu đồng lên sân khấu, hội chợ, phố đêm… khiến di sản bị lợi dụng, làm ảnh hưởng tới tính thiêng của di sản, xúc phạm cộng đồng tín ngưỡng”.

Một vấn đề khác cần quan tâm, theo nguyên Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam Trần Hữu Sơn là di sản luôn gắn liền với chủ thể - chủ nhân của di sản.

“Đặc trưng của di sản là gắn với chủ nhân sản sinh ra di sản, tuy nhiên hiện nay, rất nhiều di sản (đặc biệt là lễ hội), cộng đồng bị gạt ra bên lề, không còn tham gia vào việc tổ chức, thực hành, vô hình chung làm cho di sản mất đi chủ nhân và bị biến dạng”, ông Trần Hữu Sơn nói.

Đề cao vai trò cộng đồng chủ thể thực hành di sản

Việc gia tăng số lượng di sản văn hóa phi vật thể tại các danh mục của quốc gia và quốc tế đã đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản và thực hiện Công ước cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội trong những năm gần đây. Trong đó, các đại biểu tham dự sự kiện thống nhất quan điểm: Các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có tính chuyên môn đặc thù, cần có lộ trình tiếp cận vấn đề, chiến lược lâu dài, hướng tới quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị một cách bền vững, đồng thời phải được tiếp cận theo một số nội dung có tính xu hướng, tính quốc tế như: Tiếp cận di sản và phát triển bền vững, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa quốc gia và quốc tế, đề cao vai trò của cộng đồng chủ thể, nghệ nhân, người thực hành di sản…

tin-nguong.jpeg
Cần xác định rõ không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cộng đồng thực hành, sở hữu di sản có vai trò quan trọng nhất trong bảo tồn và phát huy các giá trị. Chính vì vậy, cộng đồng phải có hiểu biết đầy đủ, để trở thành cộng đồng thông minh, có kiến thức trong lĩnh vực này, trong đó việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giữa các địa phương sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương cùng có chung di sản được ghi danh đối với những vấn đề liên quan đến chuyên môn.

Theo Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Từ Thị Loan, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về di sản, giúp họ hiểu đúng, đầy đủ hơn. Ở đây, trước hết đóng vai trò quan trọng là các nhà khoa học với những hiểu biết chuyên môn thấu đáo, am tường về di sản. Họ phải là đội ngũ có tiếng nói tích cực, giới thiệu cái hay, cái đẹp, giá trị của di sản đến với dân chúng và phổ biến cách thức thực hành tín ngưỡng theo đúng truyền thống. Bên cạnh đó, là vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông đại chúng - công cụ hữu hiệu trong việc tôn vinh di sản, quảng bá những phương diện tích cực, đồng thời điều chỉnh, phê phán những biểu hiện tiêu cực, trục lợi, thương mại hóa di sản, vi phạm các thuần phong, mỹ tục…

PGS.TS. Lê Văn Toàn (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) đề xuất: “Mỗi địa phương, mỗi vùng, tiểu vùng di sản cần xây dựng những “trung tâm gốc di sản”. Chính những nơi này sẽ là điểm bảo tồn, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong đời sống đương đại tốt nhất, phù hợp nhất, gần gũi cộng đồng đã sản sinh, nuôi dưỡng di sản ấy từ lâu và bền vững nhất”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giải pháp bảo vệ, phát huy di sản một cách bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.