(HNM) - Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có bước phát triển vượt bậc và đạt thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, song số doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu lĩnh vực này còn hạn chế. Để phát triển nhanh và bền vững, cần tăng cường huy động tổng lực cả ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Kết quả chưa như kỳ vọng
Thời gian qua, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc và đạt những kết quả quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Việc huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để phát triển khoa học và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều tập đoàn lớn, uy tín trong nước và quốc tế đang triển khai đầu tư tại các khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ còn hạn chế, kết quả chưa cao như kỳ vọng. Việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp còn hạn chế. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp trên cả nước chỉ chiếm 0,02% và phần lớn là doanh nghiệp nhà nước. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp trích lập quỹ và tỷ lệ sử dụng quỹ cũng rất thấp. Trong tổng số hơn 23.000 tỷ đồng tiền quỹ, chỉ có 50,9% được sử dụng, một nửa số tiền còn lại vẫn tồn đọng trong quỹ.
Theo Trưởng ban Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Vũ Văn Tích, mặc dù đã có sự gia tăng rõ rệt về số lượng, chất lượng và quy mô hợp tác nghiên cứu, nhưng tiềm năng hợp tác với các đối tác của Đại học Quốc gia Hà Nội mới chỉ được khai thác một phần nhỏ. Còn theo Trưởng đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi, đầu tư công và tư nhân vào khoa học và công nghệ tại Việt Nam còn thấp so với mức trung bình toàn cầu, chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP và tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ của Việt Nam thấp hơn gần 5 lần so với mức trung bình là 2,23%. Mặc dù Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện đầu tư quy mô lớn vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thu hút đầu tư tư nhân
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho rằng, mặc dù các cơ sở giáo dục đại học có nguồn lực khoa học và công nghệ mạnh và tiềm năng để phát triển đột phá về chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, song các trường đại học cũng đang vấp phải những rào cản, vướng mắc khi đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, chuyển giao và thương mại hóa, dẫn tới hiệu quả hoạt động thương mại không được như kỳ vọng.
Cũng theo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân, thời gian tới sẽ có những cơ chế, chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam một cách hiệu quả. Nếu như chưa có đủ điều kiện chín muồi để ban hành các quy định chính thức thì Nhà nước có thể cho phép thí điểm một số chính sách. Chẳng hạn, cho phép nhà khoa học ở trường đại học công làm việc về nghiên cứu và phát triển cho doanh nghiệp; cho phép trường đại học tự định giá tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của đơn vị và sử dụng kết quả đó cho việc góp vốn hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ…
Theo bà Ramla Khalidi, để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu đầu tư vào khoa học và công nghệ, nhất là trong các ngành công nghệ cao và sáng tạo, các ngành công nghiệp bổ trợ, cần sử dụng một loạt các ưu đãi để thu hút vốn đầu tư, cả trong nước và các nguồn lực nước ngoài, vào các lĩnh vực ưu tiên này. “Cần tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; thí điểm chính sách khuyến khích viện nghiên cứu, trường đại học thu hút đầu tư tư nhân vào các hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và trường đại học, giữa khối ứng dụng tri thức và khối tạo ra tri thức…”, bà Ramla Khalidi gợi ý.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp linh hoạt hơn. Cụ thể, trong năm 2022 và 2023, doanh nghiệp có thể dùng quỹ để mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ và phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, khác với quy định chỉ được sử dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ như trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.