(HNM) - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời và có hiệu lực từ nhiều năm nay, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm quyền lợi bởi hoạt động quảng cáo sai lệch hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ..., trong khi người tiêu dùng chưa quan tâm, tìm hiểu để tự bảo vệ mình. Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường các giải pháp tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, kiểm tra xử lý vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngại khiếu kiện, "tặc lưỡi" bỏ qua quyền lợi
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bà Trần Thu Thủy (ngõ 214 đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ) mua 2 hộp bánh quy có hình dáng, họa tiết trang trí giống hệt nhau, nhưng 1 hộp có nhãn hiệu Cosy và 1 hộp có tên gần giống. Bà Thủy cho hay, khi mua không để ý vì vẫn thường mua bánh Cosy của Kinh đô, đến lúc sử dụng mới biết đây là hai loại khác nhau. Nghi ngờ là bánh nhái thương hiệu nhưng nghĩ sản phẩm có giá trị không lớn nên bà Thủy cho qua.
Tư tưởng “tặc lưỡi cho qua” như vậy không phải là hiếm. Chị Nguyễn Hà Lan (trú tại chung cư N5A Nguyễn Thị Thập, quận Thanh Xuân) kể, mới đây mua một hộp đậu phụ tại siêu thị gần nhà, do vội nên quên không nhìn hạn sử dụng. Về nhà mới biết hộp đậu phụ đã hết hạn sử dụng. “Khá bực mình nhưng vì số tiền bỏ ra không đáng bao nhiêu nên tôi chỉ nghĩ sẽ rút kinh nghiệm cho lần mua sau, chứ không muốn đôi co với nhân viên siêu thị”, chị Lan bày tỏ.
Thực tế, nhiều người tiêu dùng ngại khiếu kiện vì có khi chi phí khiếu kiện nhiều hơn so với số tiền mua sản phẩm, nên bỏ qua quyền lợi của mình. Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực thi hành từ năm 2011 nhưng hiện nay, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang xảy ra phổ biến. Nhiều người chưa nắm rõ luật, chưa hiểu hết được các quyền lợi của mình, dẫn đến thái độ thờ ơ và không biết cách tự bảo vệ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp.
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Hải thông tin, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lưu thông sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Riêng năm 2021, qua đường dây nóng, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã giải quyết 20 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Tổng đài 024.0181 tiếp nhận và giải đáp 9.178 cuộc gọi liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người tiêu dùng im lặng, không lên tiếng vì cho rằng vi phạm nhỏ, ngại phiền phức. Chỉ khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại với giá trị lớn người tiêu dùng mới gửi phản ánh, khiếu nại.
“Chúng tôi mong người tiêu dùng khi phát hiện hành vi vi phạm, xâm hại quyền lợi của mình, hãy kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết. Đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Thanh Hải nói.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Nói về nguyên nhân khiến người tiêu dùng ngại tố cáo hành vi vi phạm, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thực tế người Việt Nam có tâm lý ngại va chạm nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, việc giải quyết một số khiếu nại không thành công là do người tiêu dùng không đủ chứng cứ chứng minh quyền lợi bị xâm hại hoặc đưa ra đòi hỏi đền bù quá mức...
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, nhiều người tiêu dùng chưa có thói quen lưu giữ hóa đơn, chứng từ để bảo đảm chứng cứ khi phản ánh, khiếu nại hành vi xâm phạm quyền lợi của chính mình.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, thời gian tới, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp cùng các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Cùng với đó, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng nhái, hàng kém chất lượng, hành vi gian lận thương mại, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.
Tại lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam do UBND thành phố Hà Nội và Bộ Công Thương vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa “định vị” được vị trí trong quan hệ với các luật chuyên ngành, cũng như chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác trong việc phối hợp bảo vệ người tiêu dùng. Cơ quan chức năng sẽ kiến nghị bổ sung hành vi bị cấm (như tiếp thị trái với ý muốn của người tiêu dùng, không bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ; không đền bù, đổi trả sản phẩm cho người tiêu dùng...) để tăng cường hiệu lực của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.