(HNM) - Trong những năm qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ các loài động vật, hoang dã, nguy cấp và quý hiếm.
Tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã cho học sinh Hà Nội. |
Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng chia sẻ, vấn đề đặt ra đối với công tác bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã không chỉ ở nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã chưa đầy đủ và đúng mức. Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã chưa thực sự được coi trọng mà cả trong quản lý, điều hành còn thiếu kiên quyết. Trong đó, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã chưa thực sự nghiêm minh. Thực tế, còn khá phổ biến tư tưởng muốn sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng... Nhiều loại động vật hoang dã nằm trong sách đỏ cấm buôn bán, vận chuyển, điển hình như con cu ly, không có giá trị thương mại, chỉ là một loại để chơi cảnh, nhiều người không biết, không nhận thức được nên vẫn nuôi hoặc trao đổi, mua bán...
Do đó, trong những năm qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã có nhiều công văn đề nghị và chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể với các trường học, đơn vị... nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Đặc biệt, không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và các sản phẩm của chúng. Được khởi động từ năm 2016, cho tới nay chương trình tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ các loài động vật hoang dã cho các em học sinh các trường THPT, THCS trên địa bàn TP Hà Nội của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã đã được thực hiện tại 138 trường và tiếp tục nhận được sự tham gia nhiệt tình của giáo viên và học sinh các nhà trường. Trong năm 2018, trung tâm sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền tại 26 trường THCS, THPT trên địa bàn quận Long Biên, tổng số học sinh dự kiến khoảng 25.000 học sinh. Với 25.000 tờ rơi có nội dung tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ các loài động vật hoang dã sẽ được phát. Qua đó, góp phần giảm thiểu thực trạng buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, hiện nay việc tuyên truyền về chống buôn bán, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn thành phố mới chỉ chú trọng đến nhóm đối tượng, trong đó có học sinh, sinh viên. Hình thức tuyên truyền chưa sinh động để các em hiểu và nắm rõ. Mặt khác, việc tuyên truyền trong cộng đồng dân cư mới chỉ dừng lại ở các pano, áp phích, tờ rơi... Do vậy, cần sớm đưa nội dung tuyên truyền bảo vệ các loài động vật hoang dã vào cuộc, vận động toàn dân xây dựng nếp sống mới ở cơ sở; đưa nội dung vào các quy ước, hương ước bảo vệ môi trường thiên nhiên tại các địa phương, cơ sở. Tiến tới, Hà Nội cần sớm hình thành các trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học đủ quy mô, số lượng, vừa làm công tác bảo tồn, vừa là nơi tham quan, tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã.
Theo Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, cần xây dựng các chương trình truyền thông về tác hại của việc săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng hơn nữa. Đơn cử như, xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về vấn đề này trên các báo, đài. Mặt khác, không ngừng tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm và ý thức bảo vệ động vật hoang dã; đưa nội dung tuyên truyền về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo tồn các loài hoang dã, nguy cấp quý hiếm vào các nội dung sinh hoạt của các cơ quan, đơn vị...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.