(HNM) - Kỳ nghỉ lễ 2-9 năm nay kéo dài 3 ngày nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân dự báo sẽ tăng. Cùng với đó, đây cũng là dịp hút khách tại các điểm vui chơi, du lịch nên vấn đề kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm trên thị trường đang được các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội đặt lên hàng đầu.
Nguy cơ từ cơ sở kinh doanh thời vụ
Trong 8 tháng năm 2019, toàn thành phố Hà Nội đã có 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó có 10 đoàn tuyến thành phố và 644 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; 64 đoàn kiểm tra chuyên ngành của Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Qua đó, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra hơn 62 nghìn lượt cơ sở thực phẩm, phạt tiền gần 4 nghìn cơ sở với số tiền phạt là gần 15 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố cho biết, nhận thức về vấn đề an toàn thực phẩm của người kinh doanh, sử dụng thực phẩm đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, vi phạm vẫn tồn tại chủ yếu ở những cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo quy trình thủ công, hay những cơ sở làm ăn thời vụ… Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm về nhãn hàng hóa, không lưu mẫu theo quy định, sử dụng phụ gia thực phẩm hết hạn, điều kiện vệ sinh cơ sở không bảo đảm, kinh doanh rượu, bánh kẹo, hoa quả không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Trước thực tế trên, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm của thành phố lo ngại, cứ mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày, tại các điểm vui chơi, du lịch thường diễn ra tình trạng quá tải. Đây cũng là dịp để những cơ sở kinh doanh mang tính chất thời vụ mọc lên như nấm. Do người bán hàng di chuyển nhiều nơi, hạn chế về cơ sở vật chất, điều kiện bảo quản thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt và nguồn cung cấp thực phẩm cũng chưa thành hệ thống, nên còn nhiều vi phạm. Thêm vào đó, các hộ kinh doanh thời vụ thường ít tuân thủ việc đeo găng tay khi chế biến thực phẩm chín, không dùng kẹp gắp hay chia thức ăn, thậm chí còn để thức ăn sống - chín lẫn lộn… Đây là những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng.
Đề cập đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp nghỉ lễ 2-9 sắp tới, ông Trần Văn Chung cho rằng, dịp nghỉ lễ này cũng là thời điểm thành phố đang tăng cường triển khai kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Trung thu 2019. Vì vậy, thành phố đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, quá trình lưu thông thực phẩm trên thị trường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các nhà hàng, quán ăn, điểm kinh doanh thức ăn đường phố thời vụ tại các điểm vui chơi, giải trí, các làng nghề… Mặt khác, tập trung kiểm tra các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp nghỉ lễ, như: Nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, đồ ăn nhanh, bánh kẹo, rượu bia, thịt đông lạnh, gia cầm…
Xét nghiệm nhanh, xử lý tại chỗ
Trong dịp nghỉ lễ này, khi tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại các điểm vui chơi, du lịch, nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố sẽ điều xe kiểm nghiệm lưu động an toàn thực phẩm đến và tổ chức lấy mẫu, làm các xét nghiệm nhanh về thực phẩm ngay tại chỗ. Thời gian xét nghiệm trung bình cho mẫu thực phẩm từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ, nhanh hơn rất nhiều việc lấy mẫu mang đi kiểm nghiệm ở nơi khác. Như vậy, dựa vào kết quả xét nghiệm ban đầu này, các đoàn kiểm tra và cơ quan chức năng ở địa phương hoàn toàn có cơ sở tiến hành xử lý vi phạm ngay tại chỗ, tính răn đe sẽ tăng lên.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: "Tại các địa phương, chúng tôi yêu cầu tất cả các cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, đồ ăn uống ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù chỉ kinh doanh trong thời gian ngắn khó đòi hỏi phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu theo quy định, nhưng một số điều kiện bắt buộc phải tuân thủ, như: Vệ sinh bát đũa, dụng cụ, hệ thống nước rửa phải đầy đủ, bảo đảm nguồn gốc thực phẩm... Qua kiểm tra, nếu cơ sở nào không bảo đảm các điều kiện tối thiểu thì dứt khoát phải đình chỉ. Mặt khác, các quận, huyện, thị xã cần lên phương án phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý. Cụ thể, tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp trong công tác điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả nếu có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm và các điểm vui chơi, du lịch…".
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, tại các quán hàng nhếch nhác, tạm bợ, nhìn qua đã thấy không bảo đảm vệ sinh nhưng vẫn thu hút không ít thực khách. Do đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, hãy nói “không” với thực phẩm không an toàn. Mặt khác, khi phát hiện cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý.
“Rất mong người dân khi đến các điểm du lịch, vui chơi, giải trí hãy cùng chung tay giám sát an toàn thực phẩm. Nếu phát hiện cơ sở vi phạm hãy thông tin ngay về các Đường dây nóng: Sở Công Thương: 1900585826; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 0243 3800115; Sở Y tế: 0243 998 5765”, ông Trần Ngọc Tụ bày tỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.