Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tản văn "Năm tháng mặt người": Gợi bao niềm nhớ…

Thi Thi| 15/04/2016 07:38

(HNM) -


Ấn tượng đầu tiên về cuốn sách với 35 câu chuyện bàng bạc ký ức mà cũng lấp lánh chất trữ tình trẻ trung ấy chính là những câu thơ mở đầu cho mỗi một tản văn. Lạ đấy và cũng là lợi thế đấy vì Nguyễn Quang Hưng vốn là người làm thơ, đã có trong tay bốn tập thơ và một tập trường ca. Nhưng thơ hay văn xuôi của tác giả sinh năm 1980 đều có chung một nguồn cảm hứng lớn, thậm chí xem như chi phối toàn bộ sáng tác của anh, đó là không gian văn hóa truyền thống lâu nay tưởng như đã trở nên xa lạ với người trẻ tuổi.

Không gian ấy đậm đặc trong mỗi trang viết của "Năm tháng mặt người" mà đầu tiên không thể không kể đến là những ký ức về phố "Hàng" Hà Nội. Nơi lưu giữ bao "tên người, tên việc", có khi rất đỗi bình thường nhưng đã làm nên hồn cốt cho đất Hà thành xưa. Như gương mặt người cha của tác giả, vốn sinh ra trong một gia đình có nghề thêu với cửa hiệu Tiến Bảo ở 36 - Hàng Nón rồi chuyển qua nhiều phố, trụ ở 20 - Hàng Mành…

Có lẽ vì thế những trang viết của tác giả về người cha, về nghề thêu qua thăng trầm một gia đình nhiều thế hệ ở Hà Nội là một trong những trang viết xúc động nhất của tập sách này. "Tóc bố tôi đã bạc trắng. Giấc ngủ lấp lánh kim thêu. Những sợi chỉ xa gần mờ nhòa. Những giấc mơ hồi tưởng xuyên lớp lớp vải trắng, xuyên mù sương thời gian, nhoi nhói như chích vào da thịt. Quá khứ chưa bao giờ ngủ yên, ào về như lá đổ trên mỗi mùa xuân rực rỡ…".

Nhiều bài viết khác của Nguyễn Quang Hưng cũng thăm thẳm nỗi niềm thương về vùng lõi của đất Kinh Kỳ, Kẻ Chợ ấy. Như là "Những góc nhỏ phố phường" với ký ức của bà cô từng được cùng ông nội bí mật may cờ đỏ sao vàng cho cách mạng…

Bên cạnh đó, còn là nhiều trang viết về quê ngoại Tả Thanh Oai, về quê lụa Hà Đông nơi tác giả sinh ra, lớn lên nay cũng đã trở thành một phần của Hà Nội. Có những gương mặt có khi không lưu trong sử sách mà cứ day dứt, ám ảnh khôn nguôi như "bà cụ mắt toét nhèm, đội khăn đen, mặc cái áo len đỏ thẫm ở trong ngôi nhà cũ dột nát" để trông nom khu sinh phần của một vị quan tổng đốc dưới Triều Nguyễn có công với làng…

"Năm tháng mặt người" cũng kể về những nghệ nhân phường rối, những liền chị, liền anh "đầu 6" vẫn còn mê chơi, những nghệ sĩ tuổi còn trẻ nhưng mắc nợ với vốn cổ cha ông hết lòng giữ gìn điệu xẩm, câu quan họ… Từ phố "Hàng" không gian văn hóa trong trang viết của Nguyễn Quang Hưng mở ra, mở ra mãi trên nền chung của những gì lay động nhất của văn hóa truyền thống. Như là một bảo tàng không gian văn hóa Mường của nghệ sĩ trẻ Vũ Đức Hiếu ở Hòa Bình, như ngôi nhà đất nện của nhà thơ nổi tiếng người Mông - Hùng Đình Quý ở Hà Giang…

Giữ một giọng điệu nhẹ nhàng, năm tháng trôi qua và những mặt người hiện diện qua những trang viết của Nguyễn Quang Hưng gieo vào lòng người cảm giác yên bình tĩnh tại. Nhưng không vì thế mà không nghĩ ngợi về điều mà tác giả đã khéo léo gửi gắm, gần như nhắc đi nhắc lại: Làm sao để sống chậm mà sâu sắc trong cuộc đời này, làm sao để các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc còn được các thế hệ sau nhớ mãi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản văn "Năm tháng mặt người": Gợi bao niềm nhớ…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.