(HNMO) - Với chị em phụ nữ, ngày 8-3 thường là dịp được người thân, đồng nghiệp tôn vinh, tặng quà. Nhưng với nhiều lao động nữ nhập cư ở Hà Nội, đây lại là cơ hội để họ có thu nhập nhiều hơn.
Chợ hoa Quảng Bá là địa điểm thu hút nhiều nữ lao động nhập cư đến tìm việc. |
Vất vả mưu sinh
Dịp 8-3, chị Nguyễn Thị Hạnh (49 tuổi, quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) lại đi chợ hoa Quảng Bá sớm hơn, nhập hàng nhiều hơn và thu nhập cũng tăng lên nhiều so với ngày thường. Có mặt ở chợ từ lúc nửa đêm, vốn có kinh nghiệm chọn hoa, chị tìm hàng hoa đẹp, mua buôn để rồi bán lẻ.
Hoa mua về được chị chăm chút, chỉnh sửa, uốn cánh, nắn cành nên đẹp hơn và bán rất chạy. Bán lẻ tại chợ hoa Quảng Bá đến khi trời sáng, chị lại chuyển sang sắp xếp, bày biện một xe đạp chở hoa đủ màu sắc để vào khu vực trung tâm thành phố bán tiếp.
Chị Hạnh chia sẻ: “Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa được ai tặng quà ngày 8-3 bao giờ”. Chồng mất sớm, chị một mình nuôi ba con ăn học. Gánh nặng gia đình khiến chị Hạnh đầu tắt mặt tối, từng làm đủ thứ việc như gánh hàng, rửa bát thuê… để lo tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt, tiền học cho các con. Tự tay chăm sóc từng cành hoa, trang trí từng bó hoa để làm quà cho những người phụ nữ đón chờ ngày 8-3, chị Hạnh chưa từng nghĩ bản thân mình được nhận quà hoặc một bông hoa vào dịp này.
Chị Hạnh cho biết thêm, chỉ cần các con ngoan, học hành chăm chỉ, tối về quây quần ăn uống bên nhau thì ngày nào cũng là 8-3 với mẹ con chị. Để có được niềm vui giản dị ấy, chị Hạnh bền bỉ làm việc, lặng lẽ thức khuya dậy sớm những mong có ngày mai tươi sáng hơn.
Với những nữ công nhân xa nhà, ngày 8-3 càng nhiều ý nghĩa hơn. Dịp này, chị Vũ Thị Hương (26 tuổi, quê Hà Tĩnh, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam, Khu Công nghiệp Thăng Long) dự định cùng các bạn ở nhà trọ tổ chức nấu lẩu.
Tuy ở chung phòng trọ, nhưng mỗi người làm ở một công ty, giờ giấc làm việc không mấy khi trùng nhau nên rất hiếm khi cả 4 người cùng quây quần ăn uống với nhau. Vào những ngày như Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 hay sinh nhật, chị em trong phòng đều cố gắng tổ chức ăn chung, chúc mừng nhau cho đỡ nhớ nhà, nhớ người thân.
Đây cũng là dịp để chị em tâm sự, sẻ chia với nhau. Khi nói về chuyện quà tặng cho dịp 8-3 của những người yêu nhau, chị em cười đùa nhưng không khỏi chạnh lòng. Phần lớn họ chưa có người yêu.
Vũ Thị Hương chia sẻ: “Em chưa có “mảnh tình vắt vai” nào nên cũng chẳng có quà. Những ngày này, chị em cùng quan tâm nhau, tự chúc nhau cũng thấy vui rồi. Nếu có điều kiện, em sẽ tự mua quà cho mình”. Thỉnh thoảng, bác chủ nhà trọ tâm lý cũng tặng họ quả ổi, quả khế. Niềm vui ấy tuy giản dị nhưng chân thành khiến họ bớt nhớ nhà, nhớ quê hương.
Nhân lên những niềm vui
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống của những người phụ nữ nhập cư vào Hà Nội ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Nhằm giúp lao động nữ nhập cư dần ổn định cuộc sống, các ban, ngành, đoàn thể của thành phố đã hỗ trợ họ được thuê nhà trọ với giá rẻ, giảm tiền điện, tiền nước, con được học trong trường công lập...
Thành phố cũng có chính sách hỗ trợ, xây nhà ở cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng quà, tặng vé tàu, xe cho công nhân về quê ăn Tết… Đáng chú ý, Hà Nội tạo điều kiện để các tổ chức trong nước, quốc tế phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội”. Triển khai từ năm 2016 đến năm 2019, dự án cung cấp thông tin, tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học nghề, khởi nghiệp cho hàng nghìn lao động nữ nhập cư.
Bên cạnh việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động nói chung, các cấp công đoàn thành phố cũng đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho lao động nữ.
Trong đó, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã và đang phối hợp hiệu quả với Quỹ Vì tầm vóc Việt triển khai dự án “Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt”, tổ chức các buổi truyền thông về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, hướng dẫn chăm sóc gia đình, trẻ em và sức khỏe sinh sản, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cho đông đảo công nhân, lao động…
Tại các doanh nghiệp, việc thu hút và giữ chân người lao động đã trở thành chính sách phát triển. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng công tác chăm lo, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với công đoàn tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như tặng quà, liên hoan văn nghệ, thể thao để chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, mừng sinh nhật...
Chị Bùi Thị Hà (28 tuổi, công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài) chia sẻ: “Dịp 8-3, lao động nữ chúng em được tặng quà và nhận những lời chúc tốt đẹp của lãnh đạo công ty, bộ phận và đồng nghiệp nam. Được sự quan tâm, chăm lo thường xuyên của công ty và công đoàn, lao động nói chung và lao động nữ nói riêng cảm thấy yên tâm, gắn bó, nỗ lực hơn trong công việc của mình”.
Mỗi người một hoàn cảnh và chưa hết khó khăn, song những lao động nữ nhập cư vẫn luôn miệt mài với công việc. Họ rất đáng được trân trọng bởi sự tần tảo, nỗ lực vì ngày mai tươi sáng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.