Lao động - Việc làm

Công đoàn tìm giải pháp hỗ trợ lao động nữ di cư khó khăn, ly thân, ly hôn

Hà Phong 23/12/2023 - 07:45

Trong báo cáo khảo sát “Về thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, chế xuất” do Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện, một vấn đề đặt ra là đời sống khó khăn, tình trạng ly thân, ly hôn trong lao động nữ di cư.

san-xuat-linh-kien.jpg
Lao động nữ làm việc tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Báo cáo được thực hiện thông qua khảo sát, phỏng vấn 906 người lao động, 32 người sử dụng lao động và 62 cán bộ Công đoàn cơ sở về thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, chế xuất tại 10 tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Phước, An Giang, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Công đoàn Dệt may phía Nam.

Phó Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thu Phương, Trưởng nhóm khảo sát cho biết, tình trạng hôn nhân của lao động nữ di cư có thể được chia thành 3 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất, nhóm đã kết hôn - đây là nhóm đông nhất, chiếm 85,3%. Khi đi làm ăn xa, họ thường mang theo con cái đi cùng hoặc gửi con lại cho gia đình ở quê.

Khảo sát của Ban Nữ công cho thấy, một gia đình lao động nữ di cư phải chi gần 10 triệu đồng cho các khoản thuê nhà, tiền học cho con, tiền điện, nước, ăn uống... Trong đó, mức chi dành cho thuê nhà từ 1 đến 2 triệu đồng.

“Vì những điều kiện chưa thuận lợi nên phần đông lao động nữ di cư phải chấp nhận cuộc sống xa con”, bà Trần Thu Phương chia sẻ. Những yếu tố kể trên là rào cản trong đời sống gia đình, ảnh hưởng trực tiếp tới việc chăm sóc, nuôi dạy con của lao động nữ di cư.

Nhóm thứ hai, nhóm chưa kết hôn - chỉ chiếm khoảng 3,3%, đa số là những người trẻ tuổi, mới tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng. Họ di cư để tìm kiếm cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập.

Nhóm thứ ba, đáng lo ngại là nhóm ly hôn, ly thân - chiếm tới 10% tổng số lao động nữ di cư. Đa số họ di cư để tìm kiếm cơ hội việc làm và ổn định cuộc sống sau khi ly hôn, ly thân. Điều này là thiệt thòi rất lớn cho những đứa trẻ khi thiếu sự chăm sóc, nuôi dạy trực tiếp của cha mẹ, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý của trẻ, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý của bản thân người lao động khi phải xa con.

Từ thực trạng này, nhiều giải pháp được Công đoàn đưa ra. Một trong số đó là đề xuất chính quyền địa phương cần quan tâm quy hoạch các công trình trường học, nhà trẻ, khu vui chơi, giải trí gần nơi ở của lao động di cư và hỗ trợ lao động nữ di cư tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ chăm sóc, học hành của con em họ.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quan tâm áp dụng các chính sách thuận lợi về cư trú, tiếp nhận con em lao động di cư vào các trường công lập địa phương; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chính sách linh hoạt về giờ làm việc để tạo điều kiện cho lao động nữ di cư chăm sóc con cái. Đồng thời, các ngành chức năng và các bên liên quan thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, quy định của pháp luật để hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích đặc thù của lao động nữ di cư…

Về phía Công đoàn, cần có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp…; tăng cường các buổi tuyên truyền dành cho lao động di cư về các chủ đề như bình đẳng giới, nuôi dạy con, gia đình, chính sách pháp luật. Công đoàn ngoài giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, còn cần thường xuyên khảo sát đoàn viên để lấy tiếng nói thực tế từ cơ sở.

Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị tăng cường bồi dưỡng cho các cán bộ Công đoàn cơ sở thông qua việc gửi thêm nhiều tài liệu tuyên truyền, tập huấn về bình đẳng giới và chính sách pháp luật; hỗ trợ thêm kinh phí cho Công đoàn cơ sở để mời chuyên viên tư vấn sức khỏe cho lao động nữ. Ngoài ra, xây dựng thêm những buổi tập huấn chuyên sâu cho lao động nữ di cư và tạo ra sân chơi lành mạnh cho người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công đoàn tìm giải pháp hỗ trợ lao động nữ di cư khó khăn, ly thân, ly hôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.