(HNM) - Dù đã được khởi động cách đây mấy năm tại một số nước phát triển trên thế giới nhưng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới bắt đầu được đề cập thời gian gần đây ở Việt Nam.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ đi tiên phong, tận dụng những cơ hội, thuận lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp này. Tuy nhiên, giữa kỳ vọng và thực tế là rất nhiều thách thức...
Là đầu tàu kinh tế, TP Hồ Chí Minh cần có sự chuẩn bị để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. |
Mới chỉ dừng ở “khái niệm”
Trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh, gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin (CNTT), hóa chất - nhựa cao su và chế biến tinh lương thực - thực phẩm, chỉ có ngành Điện tử - CNTT nằm trong nhóm sản phẩm của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0). Tuy nhiên, ngành này hiện mới dừng lại ở khâu gia công, chưa có nhiều phát minh, sáng tạo. Hiện Khu công nghệ cao (KCNC) TP Hồ Chí Minh là đơn vị hiếm hoi bước đầu tiếp cận CMCN4.0 nhưng cũng chỉ mới được "ấn nút khởi động". Tiến sĩ Lê Văn Hùng (Viện Kinh tế Việt Nam) cho biết, dù được hình thành từ khá sớm, quy mô lớn, đầu tư nhiều nguồn lực, tập trung nhiều nhân lực “ưu tú” và hưởng nhiều ưu đãi nhưng đến nay tỷ lệ thương mại hóa (tiêu chí đánh giá hiệu quả) từ kết quả nghiên cứu của KCNC TP Hồ Chí Minh vẫn còn hạn chế.
Là một trong những địa phương có nhiều Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX) cũng như lực lượng lao động đông nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh có lợi thế lớn về lao động giá rẻ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây lợi thế này không còn được xem là “bí kíp” của thành phố nữa bởi lao động giá rẻ không đồng nghĩa với việc tạo ra giá trị gia tăng cao. Thực tế đã chứng minh điều này khi hiện tại số lượng đơn hàng xuất khẩu tại các KCN, KCX sử dụng lao động giá rẻ đang bị sụt giảm mạnh do khách hàng liên tục yêu cầu giảm giá sản phẩm. Điều này cho thấy năng suất lao động mới đóng vai trò quyết định trong guồng máy sản xuất. Trong khi đó, trước yêu cầu tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất và trí tuệ nhân tạo thay thế sức lao động từ con người, CMCN4.0 sẽ làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ của TP Hồ Chí Minh.
Phải chuẩn bị ngay
Về mặt cơ hội của CMCN4.0, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đạt được ba lợi ích cơ bản tương tự các nước khác gồm tăng trưởng dài hạn, kiềm chế lạm phát, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý KCNC TP Hồ Chí Minh, trong trung hạn, CMCN4.0 sẽ có tác động mạnh mẽ, nếu không nói là thay đổi hoàn toàn một số ngành kinh tế trụ cột của thành phố như năng lượng, công nghiệp chế tạo, điện tử, dệt may - da giày... Đơn cử, đối với nhóm ngành công nghiệp chế tạo, do luôn chịu ảnh hưởng bởi những biến đổi của công nghệ, nên ngành này luôn có sự phân hóa nhanh chóng về nguồn lực lao động, mà kinh tế TP Hồ Chí Minh hiện nay chủ yếu dựa vào lao động trình độ thấp nên sẽ bị tác động nặng nề. Còn đối với nhóm ngành điện tử, trong những năm gần đây đã có sự tăng trưởng mạnh nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh cũng như của cả nước.
Tuy nhiên, trước làn sóng của CMCN4.0, những doanh nghiệp nội địa hoạt động trong nhóm ngành này có nguy cơ bị thu hẹp, thậm chí đóng cửa bởi nhu cầu đổi mới của các sản phẩm công nghệ cao đòi hỏi sự thay đổi không ngừng về phương thức sản xuất. Đứng trước vấn đề này, không còn cách nào khác là phải tái cơ cấu mạnh mẽ, phân bố lại cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo chỉ số hiệu quả sử dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. “Chúng ta sẽ có cơ hội phát triển nếu bắt kịp xu thế phát triển công nghệ và rút ngắn được khoảng cách với các nước phát triển. Ngược lại, chúng ta sẽ tiếp tục bị tụt hậu xa hơn nữa nếu không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và phát huy đổi mới sáng tạo”, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh muốn tiếp cận và đi đầu cả nước trong CMCN4.0 phải dựa vào nguồn lực lao động trình độ cao. Lực lượng này tuy không nhiều nhưng đây là một lợi thế của thành phố mà ít địa phương có được nên cần được sử dụng một cách hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.