Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” phát triển ngành công nghiệp chíp (vi mạch) bán dẫn, thời gian bứt phá chỉ khoảng 3 năm.
Cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng có những lựa chọn đúng đắn, kịp thời để tận dụng được cơ hội, đưa nước ta trở thành một trong những điểm đến của ngành công nghiệp chíp bán dẫn...
Không nhanh sẽ bỏ lỡ thời cơ
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính, Việt Nam hiện có hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Con số này còn nhỏ so với yêu cầu cần 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030. Không chỉ hạn chế về nhân lực, hiện mới chỉ có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chíp và chủ yếu là công ty nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Ngoài ra, phát triển công nghiệp bán dẫn còn cần đầu tư lớn từ việc đào tạo nguồn nhân lực. Trong khi đó, chương trình đào tạo đại học còn thiếu và chưa đạt chuẩn quốc tế so với sự phát triển của công nghệ bán dẫn…
Những lo ngại trên không phải không có cơ sở, song theo các chuyên gia, về đào tạo chúng ta có thể tận dụng bằng nhiều cách. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT chia sẻ, nhà sáng lập Nvidia Jensen Huang đã có lời khuyên rằng, Việt Nam có 1 triệu người làm công nghệ thông tin, 500 nghìn người làm phần mềm, nhân lực này bước vào làm trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn sẽ giúp đưa đất nước phát triển. Còn một nguồn lực mà Việt Nam có thể tận dụng được đó là cộng đồng Việt kiều tại Mỹ. Có nhiều người đã tự thân lập nghiệp, làm chíp tại Mỹ và họ đang tìm mọi cách hỗ trợ, chia sẻ, truyền nghề cho giới trẻ trong nước. Điều này lý giải phần nào đến nay chúng ta có cộng đồng trên 5.000 người Việt Nam làm chíp bán dẫn.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty bán dẫn FPT (Tập đoàn FPT) Trần Đăng Hòa, lợi thế của người Việt Nam là giỏi toán và chúng ta đã xây dựng ngành công nghiệp phần mềm với 1 triệu nhân sự, do vậy việc chuyển từ phần mềm sang phần cứng sẽ không có nhiều trở ngại. Trung bình, FPT mất 6 tháng tới 1 năm để đào tạo, chuyển đổi 1 kỹ sư phần mềm sang làm chíp. Để thiết kế chíp, có thể học chuyên sâu các môn toán học, vật lý, hóa học, tin học hay chuyên ngành Điện tử viễn thông rồi học thêm về chíp.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng chỉ tồn tại trong vòng 1-2 năm. Không chỉ Việt Nam, các nước khác trong khu vực như Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Pakistan cũng đang hành động rất nhanh. Nếu không tận dụng thành công, Việt Nam sẽ bỏ lỡ thời cơ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Chỉ nên tập trung thiết kế chíp bán dẫn
Theo ông Trương Gia Bình, cuộc chiến vi mạch ngày càng khốc liệt và năm 2023 Mỹ ra đạo luật Chips và Khoa học, trong đó dành 52 tỷ USD thúc đẩy sản xuất chíp, bảo đảm Mỹ có thể làm chủ con chíp, không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào. Trong bối cảnh đó, cùng với Ấn Độ, Mexico..., Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia sản xuất chíp và mốc thời gian thử thách cho việc thành hay bại là trong 3 năm tới. Ông Trương Gia Bình cũng nhận định, Việt Nam đang có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để phát triển ngành công nghiệp này. Đó là tận dụng nguồn lực kỹ sư công nghệ thông tin, phần mềm, thiết kế vi mạch hiện có và sự quyết tâm của Chính phủ và cộng đồng công nghệ…
"Việt Nam chỉ nên tập trung thiết kế chíp bán dẫn" cũng là lời khuyến nghị được Tổng Giám đốc CoAsia Semi Việt Nam (doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc) Nguyễn Thanh Yên đưa ra, vì việc chọn làm thiết kế chíp sẽ tốn ít nguồn lực đầu tư, đỡ rủi ro hơn, cũng đòi hỏi kỹ thuật thấp hơn. Đồng thời, thiết kế chíp lại thích hợp với những nước có dân số trẻ, giỏi về các môn STEM (toán, khoa học công nghệ) như Việt Nam. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Yên, Việt Nam chỉ nên tham gia sản xuất trong chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu.
Chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác, kinh doanh trong hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam, ông Trần Nhàn, đồng sáng lập và là Giám đốc kỹ thuật Công ty Nanochap Electronics (có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Việt Nam nên tập trung làm thiết kế chíp phù hợp nhất với điều kiện, nguồn lực.
Thông tin về chi phí đầu tư cho lĩnh vực này, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, mức đầu tư cho công nghệ chíp bán dẫn dưới 16nm là hơn 10 tỷ USD; chíp 28nm cần đầu tư 5-7 tỷ USD; công nghệ 40-60nm là 3-5 tỷ USD, con số dễ chấp nhận hơn. Đầu tư làm chíp hơn 90nm khoảng 0,5-1 tỷ USD. Đây là những thông tin mà các doanh nghiệp cần cân nhắc. Về lựa chọn phân khúc sản phẩm, với chi phí đầu tư khả thi, doanh nghiệp có thể chủ động đầu tư sản phẩm cho hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), như chíp cho viễn thông, trung tâm dữ liệu, năng lượng...
Như vậy có thể thấy, bên cạnh những thách thức không nhỏ, như nguồn nhân lực thì Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Điển hình, trong năm 2023 các tập đoàn chíp hàng đầu thế giới đã đầu tư tại thị trường Việt Nam như Amkor khánh thành nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh, Hana Micro xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại tỉnh Bắc Giang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.