Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, Việt Nam đang có "Thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để làm chíp thành công...
Cuộc đối thoại giữa hai lãnh đạo cấp cao nhân chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam năm ngoái, đề cập vấn đề về chíp bán dẫn và thành phần phía Mỹ chủ yếu là các công ty về chíp…
Thông tin được ông Trương Gia Bình chia sẻ tại hội thảo Hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn diễn ra sáng nay 29-5, tại Hà Nội. Sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Nhiều năm trước, FPT đã thành lập nhóm nghiên cứu về chíp bán dẫn, FPT cũng đã gặp gỡ làm việc với một số công ty làm chíp, như Mediatek, TSMC… để tìm lời giải về công nghệ. “Nhưng giai đoạn này chúng tôi tập trung vào xuất khẩu phần mềm. Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, tôi mới nghĩ đến phải bắt tay làm chíp”, ông Trương Gia Bình cho biết.
Phân tích về bối cảnh thế giới, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình thông tin, cuộc chiến vi mạch ngày càng khốc liệt, chíp bán dẫn và dữ liệu (data) thay đổi chóng mặt, nếu copy cũng không có cách nào “thắng” được, nên chỉ có cách là làm chủ công nghệ. Năm 2023, Mỹ đưa ra đạo luật Chips Mỹ và Khoa học (Chips and Science Actact/Chip Act) nhằm hạn chế khả năng tự cung cấp bán dẫn của Trung Quốc, cũng nhằm bảo đảm Mỹ có thể làm chủ con chíp, không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào. Hiện nay, trên thế giới, thiết kế và sản xuất chíp quan trọng nhất là công nghệ.
Vậy Việt Nam phải làm gì và chúng ta còn thời gian không? Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch HĐQT FPT nói: “Tôi cho rằng, chúng ta có cơ hội rất lớn”. Vì, Đạo luật Chips Mỹ vốn hạn chế khả năng tự cung cấp bán dẫn của Trung Quốc, đã đưa một loạt quốc gia trở thành “điểm đến” gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Mexico,... Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia sản xuất chíp và mốc thời gian cho việc thành hay bại là trong 3 năm tới.
Ngoài ra, một nguồn lực mà Việt Nam có thể tận dụng được đó là cộng đồng Việt Kiều tại Mỹ. Có nhiều người đã tự thân lập nghiệp, làm chíp trên đất Mỹ và họ đang mong muốn hỗ trợ đất nước, chia sẻ, truyền nghề cho giới trẻ Việt Nam. Điều này lý giải phần nào đến nay chúng ta có cộng đồng trên 5.000 người Việt làm chíp bán dẫn.
“Chíp là ngành thay đổi 2 năm một lần và đã thay đổi suốt ¾ thế kỷ qua. Những người làm chíp phải có niềm tin, sẵn sàng hy sinh, yêu thích, đam mê, học tập liên tục. Chúng ta từng có chung một cội nguồn Việt Nam, bây giờ là Việt Nam AI (trí tuệ nhân tạo), Việt Nam semiconductor (bán dẫn)…” - ông Trương Gia Bình phân tích.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT FPT, trong lần gặp gỡ với Nhà sáng lập NVIDIA - CEO Jensen Huang có lời khuyên, Việt Nam đã có 1 triệu người làm công nghệ thông tin, nửa triệu người làm phần mềm, vậy thì nhân lực này bước vào làm AI và bán dẫn sẽ giúp đưa đất nước trở thành dân tộc tiên tiến…
Ông Trần Nhàn - đồng sáng lập và là Giám đốc kỹ thuật Công ty Nanochap Electronics cho rằng, Việt Nam nên tập trung làm thiết kế chíp phù hợp nhất với điều kiện, nguồn lực. Một chuyên gia người Việt khác đang làm việc tại một công ty bán dẫn Hàn Quốc thì cho rằng, có 2 lĩnh vực chíp mà người Việt chỉ nên tham gia là: Thiết kế chíp và chỉ sản xuất trong chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, tại hội thảo, đại diện tập đoàn Viettel, FPT cũng chia sẽ về những nghiên cứu, đầu tư cho lĩnh vực chíp bán dẫn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.