Chip bán dẫn được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là “xương sống” của kỷ nguyên công nghệ. Với những tiềm năng lớn, Việt Nam đang có nhiều cơ hội và điều kiện cần thiết để đón "sóng" đầu tư, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.
At5 Các đại biểu tham quan Triển lãm công nghệ chip bán dẫn tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023.
Nhân lực giỏi - yếu tố tiên quyết
Là “huyết mạch” của nền kinh tế số, công nghệ bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Với những tiềm năng lớn, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Phú Hùng cho biết, việc các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ có chiến lược hợp tác với Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt liên quan đến bán dẫn, là cơ hội rất tốt cho Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ ngành này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đàm Bạch Dương, khác với nhiều ngành công nghiệp hiện có, bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ cao vô cùng phức tạp. Các công đoạn trong sản xuất con chip nhỏ bé có thể gói gọn vào ba khâu chính là: Thiết kế, chế tạo và lắp ráp, kiểm tra, đóng gói. Hiện Việt Nam đang tham gia vào khâu hạ nguồn của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, tức kiểm tra lắp ráp và đóng gói. Thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực. Để hướng tới một tương lai bền vững cho ngành bán dẫn, việc Việt Nam sẽ tập trung phát triển khâu nào của chuỗi giá trị chip đóng vai trò rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), để thúc đẩy ngành chip bán dẫn cần làm tốt 4 yếu tố gồm: Chiến lược phát triển, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng - nguồn lực và các cơ chế, chính sách liên quan.
Tại phiên tọa đàm “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại” do Quỹ VinFuture tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-2023, Giáo sư Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết, bài học của Singapore trong việc phát triển ngành bán dẫn là có nguồn lực tài chính lớn để đầu tư vào con người và hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới nghiên cứu lĩnh vực này. “Hằng năm, Singapore chi 5 tỷ USD cho nghiên cứu, nhưng số tiền này sẽ trở nên vô ích nếu chúng tôi không có nhân lực tài năng để phát triển. Vì vậy, chiến lược thu hút nhân lực giỏi trong lĩnh vực bán dẫn là yếu tố tiên quyết khi các bạn muốn bắt tay thực sự vào việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ này”, Giáo sư Teck-Seng Low nhắn nhủ.
Xây dựng hệ sinh thái về nghiên cứu và phát triển
Thời gian qua, để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Qua các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật đã từng bước nâng cao năng lực, làm chủ được một số công nghệ trong ngành vi mạch. Hệ sinh thái về nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch tích hợp đã từng bước được hình thành. Một số tổ chức, doanh nghiệp đã có đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ chip bán dẫn, như: Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel; Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)…
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch cũng đã được các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên, theo đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa còn thấp; hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chưa đồng bộ; nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế. Việt Nam cũng cần nỗ lực để đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực hiện chủ trương thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, với thế mạnh cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu, Bộ sẽ tập trung vào việc nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam để ưu tiên nguồn lực và các chính sách phù hợp, giúp chúng ta có thể bước đi ngắn nhất, nhanh nhất.
“Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn; phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp lớn nghiên cứu, đánh giá các khâu trong chuỗi sản xuất chip mà Việt Nam có lợi thế và khả năng thành công; thúc đẩy phát triển các cơ sở nghiên cứu, thiết kế chip; hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn theo đúng tiêu chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.