Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạm xa giới hạn nguy hiểm

Trung Hiếu| 23/11/2012 06:18

(HNM) - Cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vừa xuất hiện hy vọng mới khi nhóm P5+1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức), ngày 21-11, cho biết, đã sẵn sàng nối lại đàm phán với Tehran "càng sớm càng tốt". Đây được xem là một phần trong nỗ lực hiện nay của P5+1 bằng ngoại giao nhằm thúc đẩy và giải tỏa những quan ngại của cộng đồng quốc tế về một giải pháp quân sự còn bỏ ngỏ nếu cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran không có hồi kết.

Trước đó, ngay khi trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết tiếp tục thúc đẩy các kênh ngoại giao nhằm giải quyết tình trạng bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran; đồng thời nhấn mạnh vẫn còn "một khoảng thời gian" để giải quyết vấn đề trong hòa bình. Tuần trước, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Saeed Jalili cũng đã kêu gọi nhóm P5+1 trở lại bàn đàm phán.

Hòa bình để phát triển luôn là khao khát thường trực của người dân Iran.

Giữa lúc cuộc khủng hoảng từng cận kề bên hố chiến tranh thì động thái ngoại giao trong những giờ qua là hy vọng hiếm hoi với cộng đồng quốc tế. Hiện tại, nhóm P5+1 "vẫn thống nhất các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran" và "trong vài ngày tới" sẽ xúc tiến "liên hệ cần thiết" với Tehran. Mới đây, trang mạng military.com đưa tin, Washington đang cân nhắc khả năng đưa ra "những điều kiện mới", được cho là tốt hơn trước đây rất nhiều, để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Mỹ muốn Iran phải sớm nối lại các cuộc thương lượng mang tính xây dựng và "có thỏa hiệp" với nhóm P5+1 khi đó Mỹ sẽ sớm tiến tới việc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt Iran. Những thông tin này đưa ra cùng thời điểm với nguồn tin Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiết lộ sẽ nối lại đàm phán với Iran vào tháng 12 tới.

Các nhà quan sát cho rằng, những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế với những diễn biến mới xoay quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran là có cơ sở. Tuy nhiên, cuộc đàm phán tới đây liệu có tháo "ngòi nổ" thùng thuốc súng trong khu vực Trung Cận Đông hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trước hết là lòng tin giữa các bên liên quan giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, điều này là khá "xa xỉ" khi chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tỏ ra khá khác biệt trong cái nhìn của Mỹ và đồng minh. Do vậy, đòi hỏi hai bên có ngay một cách nhìn mới trong một vấn đề cũ nhưng luôn nóng bỏng là vũ khí hạt nhân sẽ là không thể trong "một sớm, một chiều".

Dư luận cho rằng, để tiến tới một kết quả tích cực cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran cần những nỗ lực thực sự để vượt qua mọi bất đồng từ hai phía. Có như vậy, ngòi nổ tiềm tàng ở Trung Cận Đông mới thật sự được tháo gỡ. Ai cũng biết, khi chiến tranh xảy ra, hệ lụy của nó sẽ không giới hạn trong khu vực mà dự báo tác động mạnh mẽ tới toàn bộ nền kinh tế thế giới. Trong một diễn biến mới nhất, Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS) vừa công bố báo cáo cho rằng, kinh tế Mỹ và thế giới sẽ bị thiệt hại "vô cùng lớn" nếu Mỹ mở cuộc tấn công quân sự vào Iran nhằm chặn đứng chương trình hạt nhân của nước này. Theo FAS, cuộc tấn công Iran sẽ tiêu tốn khoảng 1.200 tỷ USD, cộng thêm 700 tỷ USD nữa để "xóa sổ" các cơ sở hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất ở nước này...

Cuộc cấm vận nghiệt ngã của Mỹ và đồng minh nhằm vào Tehran đã và đang gây thiệt hại đáng kể cho cả nền kinh tế Iran lẫn thế giới. Nếu cuộc tấn công quân sự Iran nổ ra, mức độ thiệt hại sẽ rất lớn. Do vậy, giải pháp ngoại giao hiện đang là lựa chọn hàng đầu của các cường quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran với các giải pháp có thể chấp nhận. Sau những động thái tích cực vừa đạt được, dư luận khu vực và quốc tế tạm nguôi ngoai lo lắng trước một cuộc khủng hoảng hạt nhân dai dẳng nhất.

Ngày 20-11, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết, các vòng trừng phạt quốc tế đã không gây bất kỳ tác động nào với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Còn theo báo cáo hằng quý của IAEA, chính quyền Tehran đã sản xuất khoảng 233kg urani làm giàu ở cấp độ cao trong hai năm qua, trong đó 43kg là kết quả kể từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay. Cùng thời gian này, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế Mỹ (ISIS) David Albright cảnh báo, Iran có khả năng đạt đủ lượng urani được làm giàu ở mức 20% cho sản xuất vũ khí hạt nhân trước mùa xuân 2013.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạm xa giới hạn nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.