(HNM) - Là một Việt kiều thành danh trên đất Mỹ, đầu bếp Dương Huy Khải tâm sự rằng, điều làm ông hạnh phúc nhất là được góp phần giới thiệu cho thế giới biết ẩm thực chính là một tinh hoa văn hóa của Việt Nam.
Dương Huy Khải là đầu bếp Việt Nam đầu tiên được vinh danh trên Đại lộ Cordon Bleu, Pháp.
Dù đạt được nhiều thành tựu trong nghề nhưng vị đầu bếp gốc Việt này rất khiêm nhường ít nói. Ông chia sẻ, nghề nấu ăn đến với ông bất ngờ như một định mệnh. Xuất thân trong một gia đình không dính dáng gì với ẩm thực nhưng mọi thành viên đều có khả năng chế biến các món ăn thật khéo léo. Có lẽ từ điều căn bản này đã là tiền đề cho ông phát huy nghề bếp. Nhận ra niềm đam mê nấu nướng của mình sau 3 năm theo học ngành cơ khí, Dương Huy Khải đã bỏ lại mọi thứ sau lưng để theo đuổi nghiệp bếp núc. Tốt nghiệp một khóa học nấu ăn, sau 3 năm trau dồi kỹ năng, ông vào làm đầu bếp tại một nhà hàng ở San Francisco. Tuy nhiên, không hài lòng với tay nghề của mình, ông tiếp tục học thêm ở Pháp và Mỹ.
Khởi nghiệp từ con số không, nhưng bằng ý chí và niềm say mê nghề, Dương Huy Khải đã có bảng thành tích thật đáng ngưỡng mộ: Tốt nghiệp thủ khoa trường ẩm thực danh tiếng của Pháp Cordon Bleu Academie; là chủ nhà hàng Ana Mandara của giới thượng lưu ở San Francisco, nơi thường xuyên lui tới của các ngôi sao Hollywood như Sean Penn, Will Smith, Sharon Stone và cả những tỷ phú như Lary Ellison; đoạt cúp vàng cuộc thi nấu ăn quốc tế Bắc Kinh... Đặc biệt, ông Khải là đầu bếp Việt Nam đầu tiên được nhận một ngôi sao trên Đại lộ Cordon Bleu ở Pháp, nơi vinh danh các đầu bếp thế giới, tương tự Đại lộ Danh vọng ở Hollywood dành cho những người nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật. Sau gần 40 năm sinh sống, lập nghiệp tại Mỹ, đã đoạt nhiều giải thưởng để đời, nhưng Dương Huy Khải luôn chỉ nghĩ về món ăn Việt. Giờ đây vị đầu bếp gốc Việt này chỉ mong muốn quảng bá món ăn Việt, đặc biệt là món ăn dân dã 3 miền Bắc, Trung, Nam ra thế giới.
Dương Huy Khải nhận ra nghiệp bếp núc có thể giúp cho những người quanh mình một công việc tốt, thu nhập ổn định. Ông quyết định vận động bạn bè tổ chức và thành lập Hiệp hội Đầu bếp Á Đông và kế tiếp là Hiệp hội Đầu bếp không biên giới, mà ông chính là chủ tịch của cả hai tổ chức này. Hiện hiệp hội của ông đã vận động được nhiều mạnh thường quân cùng nhau làm thiện nguyện như tổ chức nấu 3.000 bữa ăn miễn phí hằng năm để dành tặng những người thu nhập thấp, vô gia cư và thực hiện những chuyến cứu trợ đến các quốc gia có động đất, sóng thần. Riêng tại Việt Nam, trong những chuyến đi tìm kiếm tư liệu về ẩm thực cũng như khai thác nguồn gia vị cho các món ăn Việt, ông nhận ra rằng, quê hương còn nhiều người nghèo cần giúp đỡ. Ông đã vận động Hiệp hội Đầu bếp không biên giới nhận lời tài trợ mỗi năm 30 phần học bổng toàn phần chuyên ngành bếp tại Trường Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn, giúp đỡ các cô gái miền tây Nam bộ từ độ tuổi 16-18 tuổi, vốn là nạn nhân của nạn buôn người qua biên giới. Trong tương lai gần, ông còn có ý định mở trường dạy về ẩm thực với mục đích truyền đạt những kiến thức và niềm say mê nghề cho những đầu bếp trẻ, nhất là những em có năng khiếu nhưng gia cảnh khó khăn. Càng gắn bó lâu với nghề, ông đúc kết rằng, người đầu bếp muốn thành danh phải có tâm và tài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.