Giáo dục

"Tâm tư" của nhà giáo ở buổi gặp gỡ với người đứng đầu ngành Giáo dục

Thống Nhất ghi 15/08/2023 14:03

Sáng 15-8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ với giáo viên mầm non, phổ thông trên cả nước. Tại đây, nhiều ý kiến tâm huyết đã được chia sẻ, đồng thời, các thầy giáo, cô giáo cũng đề đạt nhiều nguyện vọng.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội):

Giúp các trường có cách tiếp cận mới về tâm lý giáo dục

ntd-0403-8405.jpg
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa.

Về chính sách lương và các chế độ thi đua, khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không phân biệt trường công - trường tư; có chính sách bồi dưỡng giáo viên bài bản, kể cả trường tư thục cũng được tham gia tập huấn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà không phải đóng góp gì. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thể hiện tư tưởng đổi mới, quán triệt rõ chủ trương của Đảng và mang đến luồng gió mới. Thầy cô đang hồ hởi đón nhận và kỳ vọng giúp phát triển con người một cách toàn diện.

Tuy nhiên, vấn đề bạo lực học đường, lối sống của thanh thiếu niên, học sinh trong thời đại mạng xã hội phát triển cần được quan tâm hơn. Nhà trường đã đưa tâm lý học vào nhà trường. Thầy, cô giáo được tập huấn để chuyển hóa cảm xúc tích cực, giảm áp lực và xử lý được các mâu thuẫn học đường.

Nhà trường đề xuất, ngoài bổ sung biên chế nhân viên tâm lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập huấn các khóa giá trị sống, kỹ năng sống cho giáo viên. Nội dung này nên được đưa vào chương trình đào tạo của các trường đào tạo ngành sư phạm. Điều này sẽ giúp các trường có cách tiếp cận mới về tâm lý giáo dục. Đây là cơ sở để thực hiện tốt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện Trường Trung học cơ sở Thị trấn Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau):

Có chính sách để đội ngũ nhân viên trường học yên tâm công tác

gv-luong-t-thuan-anh-.jpg
Cô Lương Thị Thuận Ánh.

Đối với nhân viên hiện tại chỉ có lương chính, không có phụ cấp hoặc có chăng cũng rất thấp, không được hưởng phụ cấp thâm niên nên hầu hết nhân viên chưa bảo đảm được cuộc sống cho bản thân và gia đình. Do đó, nhiều cán bộ, nhân viên giảm tâm huyết gắn bó với nghề để tìm nguồn mưu sinh ở những lĩnh vực khác. Minh chứng là, việc tuyển viên chức ngành giáo dục hằng năm cho các vị trí thư viện, văn thư, thiết bị có rất ít hồ sơ đăng ký dự tuyển và hiện tại các vị trí này ở một số trường vẫn còn thiếu nhân viên chuyên trách.

Vì vậy, đội ngũ nhân viên trường học đề nghị nhà nước tiếp tục quan tâm, có chính sách lương hợp lý để đội ngũ yên tâm công tác, ổn định cuộc sống.

Cô giáo Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường Trung học cơ sở Đặng Thai Mai, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An):

Mong muốn có giải pháp giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên

gv-ng-thi-thieu-hoa-thcs-dang-thai-mai-vinh-nghe-an-.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Thiều Hoa.

Trong quá trình công tác, đội ngũ giáo viên nhận được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục, sự đồng thuận, đồng lòng của các bậc phụ huynh, qua đó, giáo viên có nhiều thuận lợi, phát huy được năng lực, trách nhiệm.

Toàn ngành đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới nên không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc. Một trong những khó khăn đó là ở cấp trung học cơ sở yêu cầu dạy tích hợp các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, do đó các giáo viên được đào tạo đơn môn phải tham gia bồi dưỡng chương trình này để dạy được nhiều môn. Tuy nhiên, để giáo viên tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm các giải pháp.

Theo quan điểm của Bộ trưởng, đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục và quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Trong khi đó, ngành lại không thể quyết định về tuyển dụng để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cũng như quyết định về tiền lương và phụ cấp để bảo đảm cho giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề và thu hút được người giỏi trở thành giáo viên. Giáo viên Nghệ An mong muốn sắp tới ngành Giáo dục có giải pháp giải quyết tình trạng này.

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang):

Cần có mức lương phù hợp hơn cho nhà giáo

gv-nguyen-t-duyen-th-tan-hoa-tien-giang-.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Duyên.

Trường tôi là một trong những trường thuộc vùng nông thôn của tỉnh Tiền Giang. Những năm qua, các trường tiểu học gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, được quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện nay, hầu hết các nhà trường đã được xây dựng khang trang, địa phương còn có những chính sách hỗ trợ dành cho những học sinh nghèo, cận nghèo và học sinh gặp khó khăn. Vì thế trong những năm gần đây, 100% trẻ em trong độ tuổi tiểu học của tỉnh được đến trường.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác dạy và học của giáo viên vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn thiếu nhiều, việc trang bị cho từng khối lớp còn hạn chế, chưa đồng bộ. Để nâng cao chất lượng dạy học, thực hiện có chất lượng việc đổi mới phương pháp dạy học, mong Bộ trưởng quan tâm, có chính sách hỗ trợ địa phương để các nhà trường được trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tâm tư" của nhà giáo ở buổi gặp gỡ với người đứng đầu ngành Giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.