Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cẩn trọng mọi khâu để bảo đảm an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thống Nhất| 15/06/2023 14:51

(HNMO) - Ưu tiên điều kiện cơ sở vật chất, quan tâm yếu tố con người và cẩn trọng mọi khâu, bảo đảm nguyên tắc tất cả các khâu của kỳ thi đều được thanh tra, kiểm tra là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 15-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến rà soát công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 với 63 điểm cầu của UBND các tỉnh, thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố Vũ Thu Hà chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Không chủ quan trong mọi khâu

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 28 và 29-6. Cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa sử dụng kết quả để xét tuyển đại học chiếm gần 93%.

Với ý nghĩa đó, nhấn mạnh yêu cầu, đỏi hỏi rất cao của kỳ thi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, kỳ thi được xã hội quan tâm; kết quả kỳ thi được sử dụng cho nhiều yêu cầu về chuyên môn và các mục đích khác nhau. Năm nay, dù học sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, nhưng tinh thần đổi mới được thực hiện ở tất cả khối lớp. Quy chế thi cũng có một vài điểm mới, vì vậy, việc tập huấn, quán triệt quy chế thi và tổ chức triển khai phải được chuẩn bị chu đáo. Trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị tại một số địa phương cho thấy, một số tỉnh, thành phố đã có sự chuẩn bị chu đáo và đáp ứng các yêu cầu, điều kiện riêng theo tình hình thực tế.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Ban chỉ đạo địa phương cần thông tin đầy đủ, kịp thời đến các đối tượng như phụ huynh, lực lượng phối hợp, nhân dân bảo đảm thông suốt trong triển khai công việc và xử lý các tình huống; tăng cường kiểm tra, giám sát, không chủ quan trong mọi khâu, đặc biệt là ở khâu chuẩn bị; bảo đảm ưu tiên các điều kiện cơ sở vật chất, quan tâm yếu tố con người và cẩn trọng mọi khâu, bảo đảm nguyên tắc tất cả các khâu của kỳ thi đều được thanh tra, kiểm tra.

Chia sẻ một số lưu ý trong khâu chuẩn bị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến việc chuẩn bị kỹ về kỹ thuật, trang thiết bị với yêu cầu thật thận trọng, không chủ quan để hạn chế sơ suất; đồng thời quan tâm đến khâu in sao, vận chuyển, bảo quản đề và bài thi.

Tăng cường biện pháp bảo mật đề thi

Với một kỳ thi có quy mô lớn, tổ chức trên diện rộng, trong điều kiện các thiết bị công nghệ cao ngày càng phát triển, đại diện các vụ, cục chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tăng cường bảo mật đề thi ở các khâu, trước mắt là ở khâu in sao đề thi. Theo đó, các địa phương cần bố trí nơi in sao đề thi với ba vòng độc lập và đáp ứng các yêu cầu chung. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, hiện nay lực lượng công an tiếp tục nắm bắt tình hình mua bán thiết bị có thể sử dụng để gian lận. Các địa phương cần xây dựng phương án vận chuyển đề, bài thi bảo đảm an toàn, bảo mật; đồng thời quan tâm tập huấn cho cán bộ coi thi về việc nhận biết, phát hiện các thiết bị hiện đại có thể ngụy trang dưới dạng đồng hồ, kính mắt...; tăng cường giám sát thí sinh trong phòng thi để kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận.

Báo cáo tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, thành phố bảo đảm đầy đủ các điều kiện tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Toàn thành phố có 102.095 thí sinh đăng ký dự thi. Hà Nội dự kiến bố trí 189 điểm thi với 4.263 phòng thi; điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên coi thi.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương báo cáo tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.

Từ việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024, Hà Nội đã rút kinh nghiệm một số nội dung cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhất là trong khâu in sao đề thi; đồng thời tăng cường tuyên truyền về trách nhiệm của thí sinh để các em nắm rõ, chấp hành đúng. Hà Nội cũng đã bố trí nơi in sao đề thi bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của quy chế.

Với số lượng thí sinh lớn nhất trong các địa phương và bằng 1/10 tổng số thí sinh của cả nước, Hà Nội đặc biệt coi trọng việc tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ coi thi với tinh thần bảo đảm nắm vững quy chế, không chủ quan khi thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra, rà soát khâu chuẩn bị tại 100% các điểm thi và bảo đảm không bỏ sót bất cứ khâu nào. 

Tuân thủ “ba không”, "bốn đúng"

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia đề nghị các địa phương thực hiện yêu cầu “ba không”: Không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không gây căng thẳng, áp lực quá mức. Đồng thời, các địa phương cũng cần lưu ý thực hiện “bốn đúng”: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng, đủ quy trình, không bỏ sót khâu nào; đúng vị trí, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều thuận lợi, như các quy định của kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm trước, dịch bệnh đã được kiểm soát; học sinh lớp 12 được học trực tiếp trong cả năm học, các địa phương cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi.

Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, tại một số nơi còn tâm lý chủ quan, cho rằng đây là kỳ thi diễn ra hằng năm. Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia yêu cầu ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố tuyệt đối không được chủ quan ở bất kỳ khâu nào, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát ở mọi khâu; chủ động xây dựng phương án ứng phó với các tình huống bất thường về thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ...

Ngoài việc lựa chọn nhân sự, các địa phương cũng cần chú trọng việc kiểm tra, giám sát để hạn chế tối đa sơ suất; đẩy mạnh việc truyền thông tạo sự đồng thuận và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, thí sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cẩn trọng mọi khâu để bảo đảm an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.