ASIAD 19 - năm 2023 đang đi đến hồi kết. Nhìn chung, Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu khá chật vật và thành tích của nhiều vận động viên (VĐV) còn ở khoảng cách khá xa so với nhóm giành được huy chương.
Cử tạ, môn thể thao “được quy hoạch” giành Huy chương vàng, đã trắng tay, thua “tâm phục khẩu phục”. Một số niềm hy vọng vàng ở các môn như bắn súng, bắn cung... cũng thi đấu không thành công.
Bóng đá nam và nữ thể hiện sự thua kém rõ so với các đội hàng đầu trong bảng đấu... Trong bối cảnh đó, những điểm sáng từ tấm Huy chương vàng môn bắn súng của Phạm Quang Huy, Huy chương vàng cầu mây nội dung 4 nữ, từ tinh thần thi đấu quật cường của Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội) hay đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam... dường như chưa đủ để khỏa lấp sự thất vọng.
Chúng ta ghi nhận sự cố gắng tới cùng của từng VĐV, biết rõ ràng rằng trình độ của thể thao Việt Nam nói chung còn một khoảng cách khá xa so với các quốc gia có nền thể thao mạnh ở châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Tuy vậy, những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đã đặt ra cho các kỳ ASIAD, Olympic cho thấy, Việt Nam cần có sự điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển các môn thể thao trọng điểm cũng như giải pháp đầu tư cho công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng VĐV. Trong đó, vấn đề thể thao học đường, chế độ dinh dưỡng và ứng dụng thành tựu khoa học vào công tác tổ chức tập luyện, thi đấu là điều cần tập trung cải thiện.
Có thể xem xét vấn đề qua trường hợp môn bóng đá. Tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới năm 2023 mới kết thúc cách đây gần 2 tháng, đội tuyển Việt Nam lần đầu có loạt trận đấu giải chính thức với các đội tuyển hàng đầu thế giới và ngay lập tức nhận thức được sự thua kém không dễ gì san lấp.
Không phải trong những cuộc phỏng vấn dưới ánh đèn máy quay, một trong những cô gái “thép” của chúng ta đã thốt lên với người quen rằng, “chúng cháu đã cố hết sức mà nhiều khi không thể chạm vào bóng”.
Không nói đến yếu tố kỹ - chiến thuật và phương pháp, điều kiện huấn luyện hiện đại, khoa học mà đội bạn hơn hẳn, chỉ riêng việc cầu thủ nữ Việt Nam “thấp bé nhẹ cân” đứng chỉ đến vai đối thủ, “va vào họ là văng ra” đã là sự thua thiệt quá lớn.
Trong một trận đấu với dạng đối thủ như thế, ở một giải đấu khác, sau khi tấn công mãi mà không thể mở tỷ số, đội bạn thay đổi “chiến thuật”: Sút thật mạnh từ xa vào góc cao khung thành. Kết quả là thủ môn cao chưa tới 1m70 của chúng ta nhanh chóng hai lần vào lưới nhặt bóng.
Bóng đá hiện đại là thế, không chỉ cần kỹ - chiến thuật mà còn cần sức vóc cao mạnh. Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đang có một thế hệ “cao ráo chưa từng có”, nhưng điều đó chưa giúp đội sánh được với các cầu thủ khu vực Tây Á, Đông Á về sức mạnh, tốc độ chứ chưa nói về tư duy chiến thuật và trình độ kỹ thuật...
Ba chục năm qua, thể thao Việt Nam trải qua giai đoạn hội nhập với thể thao khu vực, dần vững vàng ở tốp đầu Đông Nam Á và bắt đầu hướng mạnh ra đấu trường châu lục, thế giới.
Hành trình “ra đại dương” cần được dựa trên nền móng thể thao vững chắc với diện tuyển chọn tài năng rộng mở và phương pháp huấn luyện, nuôi dưỡng VĐV mang tính khoa học.
Sức vóc phải được nâng lên nhờ chế độ dinh dưỡng an toàn, khoa học được áp dụng từ sớm, thường xuyên chứ không phải chờ đến kỳ cuộc mới nâng khẩu phần ăn.
Sự quan tâm cần có không chỉ là đầu tư kinh phí, mà còn là cử chuyên gia hướng dẫn duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng bộ môn, thậm chí là từng tổ bộ môn, từng VĐV trong quá trình tập luyện chứ không chỉ là khi vào giải quan trọng.
Cách đây ít ngày, báo chí đưa tin về bữa ăn “không khác gì cơm bụi” của các VĐV trẻ thuộc diện ăn ở tập trung. Chuyện không khác gì so với cách đây vài năm, khi báo chí đưa tin về vấn đề chăm sóc VĐV tại trung tâm thể thao của một tỉnh phía Nam.
Sự việc chưa thể kết luận do đang được làm rõ, nhưng điều đáng buồn là từ lời của các VĐV trẻ được báo chí dẫn lại, chúng ta thấy thấp thoáng một chế độ dinh dưỡng kiểu “có gì ăn nấy”, “đói thì ăn thêm mỳ tôm”... Sự tùy tiện ấy không thể giúp thể thao nước nhà có tài năng mạnh mẽ đủ sức “ra biển”.
Bởi vậy, thể thao cũng cần tầm nhìn xa, rộng. Nhìn vấn đề từ sớm, chăm chút từng tí cho VĐV từ nhỏ mới được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.