(HNM) - Mấy ngày qua, chuyện chống ùn tắc giao thông, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được dư luận đặc biệt quan tâm, nhưng dường như quyết tâm và phần việc thực hiện của những giai đoạn trước đều theo trình tự: gỡ ra, rồi lại rối bời nhiều hơn.
Mới đây, khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nêu ý kiến cần hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, rồi lại yêu cầu cán bộ của Bộ GTVT nêu gương trong việc đi làm bằng xe buýt, người khen cũng nhiều, người chưa tán thành cũng không ít. Có điều, chính vị Bộ trưởng đã "mục sở thị" cảnh đi xe buýt, nên từ thực tiễn ấy mà cảm thông, rồi có thêm điều kiện đánh giá tình hình thực tiễn của hạ tầng và thực trạng các phương tiện tham gia giao thông, nên ý kiến ông đưa ra đâu phải thiếu tầm nhìn.
Thực tế, vỉa hè, lề đường của hầu hết các con phố trong nội thành Hà Nội bây giờ dùng để làm gì ai cũng rõ, nếu không muốn nói phần lớn dành làm chỗ để xe máy, đỗ ô tô. Như thế, đây chính là điều kiện cần và đủ để một số người do bắt buộc phải sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, cùng một số khác muốn đỡ nắng chói mưa xiên, lại chứng tỏ được đẳng cấp của mình, có thêm "điều kiện" góp mặt trên đường.
Trong chuyện này, không nhẽ tầm nhìn của những cán bộ có thẩm quyền ban hành những quyết sách ấy lại không có vấn đề; khi mà nào phường, nào quận, nào ngành chủ quản ai cũng muốn quản lý vỉa hè, lòng đường để tận thu cho ngân sách đơn vị mình. Như thế, nay chuyện này vỡ ra trăm thứ phức tạp, âu cũng là điều hợp lý.
Còn chuyện thứ hai là, năm nay, ông trời có chuyện gì không vừa ý mà mưa bão dồn dập, chưa dứt cơn nọ đã lại đến cơn kia. Miền Trung thì chạy lũ quen rồi, nên sau mỗi mùa mưa lũ cũng rút thêm bài học để gắng mà sống chung với lũ. Còn miền Nam, đặc biệt là các tỉnh thuộc ĐBSCL cũng quen sống với lũ rồi; lại thêm chuyện hơn chục năm nay lũ không đáng kể, nên cứ theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, quyết vượt lên trên lũ mà phát triển. Thế là, làm lúa vụ 3. Chưa đến độ thu hoạch thì lũ về, mà lại là lũ đỉnh, chưa từng có 10 năm nay. Đê bao có đắp, nhưng không phải đắp để chống chọi với loại lũ này. Đê vỡ. Mất hơn 630 ngàn héc ta lúa. Tiếng là dân vựa lúa thật, mà xem ra chuyện thiếu đói đã nhãn tiền.
Chuyện thứ ba cũng là “vỡ”, nhưng là vỡ kế hoạch về cân bằng giới tính.
Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình ngày xưa hoạt động mạnh và có hiệu quả, lại có cả một hệ thống tổ chức từ cấp cơ sở, nên dẫu ngày ấy cũng chẳng thiếu gì phương tiện soi chụp, phát hiện giới tính thai nhi hiện đại, nhưng các thành viên dân số kế hoạch hóa hoạt động tích cực, vì thế đâu có chuyện nhiều người quyết sinh bằng được quý tử.
Còn bây giờ, đến các cơ quan, tổ chức đoàn thể do Nhà nước quản lý hẳn hoi mà chuyện sinh con thứ 3, thứ 4 cũng ít ai bị xử lý, cùng lắm là chịu một án phê bình, kỷ luật. Thêm nữa, các cơ sở y tế tư nhân, liên danh với nước ngoài mọc lên như nấm, cũng là cơ hội giúp những ai khát con trai tha hồ mà lựa chọn. Thế nên, theo số liệu điều tra của cơ quan chức năng, dự báo đến năm 2020, nước ta có khoảng gần 2 triệu nam giới khó có khả năng lấy được vợ, vì... không có "đối tác".
Ba câu chuyện ở ba lĩnh vực khác nhau khẳng định một điều, nguyên nhân chính của những thực trạng này đều do thiếu một tầm nhìn trong hoạch định chính sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.