Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tắm ngay sau khi đi nắng về: hại nhiều hơn lợi

Theo Tri thức trẻ| 31/05/2013 10:52

Tắm ngay sau khi đi nắng về có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Mắc bệnh đau đầu vì đi nắng về tắm luôn

Là kỹ sư cầu đường anh Phương ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội thường xuyên phải đứng ngoài trời nắng, có hôm anh phơi nắng ngoài công trình làm công việc giám sát cả ngày trời. Chính vì vậy mà vào mùa hè, cứ đi làm về là anh đi tắm luôn cho… mát mẻ.

Mùa hè năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, có khi nhiệt độ lên đến 40 độ C nhưng anh vẫn thói quen tắm ngay sau khi đi nắng về. Nhưng gần đây, mỗi lần tắm xong anh đều bị một trận đau đầu dữ dội. Thời gian đầu thuốc giảm đau còn có tác dụng, càng về sau cơn đau đầu sau khi tắm càng dữ dội hơn, có hôm còn kèm theo đau bụng. Kéo dài tình trạng trên cả tháng anh Phương mới quyết định đi khám.

Thuật lại tiểu sử diễn biến bệnh, bác sĩ cho biết chứng đau đầu của anh xuất phát từ nguyên nhân anh tắm ngay sau khi đi nắng khiến cơ thể chưa kịp điều chỉnh cân bằng nhiệt độ dẫn đến đau đầu. Lạm dụng thuốc giảm đau chính là nguyên nhân khiến anh bị viêm loét dạ dày gây đau bụng.

Tương tự anh Phương, chị Minh làm tiếp thị cho một công ty mỹ phẩm, thường xuyên phải đi nắng. Nhất là khi có sản phẩm mới, việc chị phải đứng ngoài trời để giới thiệu sản phẩm càng thường xuyên hơn. Đứng ngoài trời ở nhiệt độ cao làm nhiệt độ cơ thể cũng tăng lên, tiết ra nhiều mồ hôi, chị cảm giác người nhớp nháp khó chịu nên về đến nhà là chị tắm luôn cho mát mẻ.

Đẩy lùi được cái nóng ở người thì dẫn đến đau đầu. Tình trạng này liên tục kéo dài khiến chị thường xuyên phải uống thuốc giảm đau để xoa dịu.


Ảnh minh họa


Không nên tắm ngay sau khi đi nắng về

Vào mùa hè, mỗi lần đi nắng về mồ hôi nhễ nhại ai cũng chỉ muốn được tắm ngay để giải tỏa cơn nóng, hạ nhiệt cơ thể. Tuy nhiên, chính việc làm đó gây nguy hại rất lớn cho sức khỏe, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cho biết, tắm ngay sau khi đi nắng về là việc làm thường xuyên của rất nhiều người vào mùa hè. Trong số đó, có những người làm công việc ngoài trời, có những người chơi các môn thể thao hoặc những người lao động vất vả. Tất cả những hoạt động ngoài nắng đều làm cho cơ thể toát ra nhiều mồ hôi, gây cảm giác nhớp nháp khó chịu. Chính vì thế mà nhiều người về nhà trong tình trạng toàn thân nóng phừng phừng và đi tắm ngay. Và không ít người sau khi tắm đã gặp phải chứng đau đầu với nhiều cấp độ, từ nhẹ cho đến dữ dội.

Cơ thể con người là bộ máy điều chỉnh cân bằng nhiệt độ, thân nhiệt trung bình bao giờ cũng khoảng 37 độ C. Khi ra ngoài trời, cơ thể tự điều chỉnh nhiệt độ để thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ bên ngoài. Trời lạnh bộ máy kích thích làm cho thân nhiệt tăng lên, ngược lại khi nhiệt độ quá cao bộ máy này kích thích gây tiết mồ hôi làm giảm nhiệt độ xuống.

Bác sĩ Huệ lý giải, đi nắng về cơ thể đang nóng tắm ngay sẽ làm bạn cảm thấy rất mát mẻ. Tuy nhiên, lúc đó nhiệt độ hạ đột ngột khiến cơ thể chưa kịp thích nghi nên dễ gây đau đầu. Nếu việc tắm ngay sau khi đi nắng gây đau đầu diễn ra thường xuyên sẽ dẫn đến chứng đau đầu mạn tính.

Thông thường, mỗi lúc đau đầu bệnh nhân sẽ uống thuốc giảm đau nhưng giải pháp đó chỉ giúp xoa dịu cơn đau tức thì, những ngày sau đó, bệnh vẫn diễn biến tương tự, dẫn đến là đau đầu mạn tính kèm theo rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày, viêm gan… do việc dùng thuốc giảm đau nhiều và kéo dài gây ra.

Hơn nữa, khi cơ nhiệt độ cơ thể đang cao, các lỗ chân lông nở ra. Nếu tắm nước lạnh ngay sẽ làm cho cái lạnh thấm vào người đột ngột, dễ gây nhiều bệnh, ví dụ như chóng mặt, đau đầu....

Vì vậy, sau khi đi nắng về, bạn nên nghỉ ngơi ít phút sau đó mới rửa chân, tay trước (nhất là vùng chân). Theo nguyên lý điều hòa nhiệt lượng, hơi nóng ở đầu mặt và toàn thân sẽ được chuyển xuống chân và thoát ra ngoài qua các lỗ chân lông. Lúc thân nhiệt hơi dịu, mới rửa mặt thì toàn cơ thể sẽ được hạ nhiệt đều, không gây tổn hại đến các phần khác trong cơ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tắm ngay sau khi đi nắng về: hại nhiều hơn lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.