Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Tâm linh Việt" trở lại

An Nhi| 13/04/2016 07:20

(HNM) - Tối 14-4, chương trình nghệ thuật thể nghiệm

Một giá hầu đồng biểu diễn trong chương trình “Tâm linh Việt”.


5 năm trước, khi chương trình múa dân gian kết hợp nghệ thuật đương đại "Tâm linh Việt" ra mắt, không ít khán giả ngỡ ngàng bởi lần đầu tiên phong tục và nghi lễ thờ cúng của đạo Mẫu bước từ đền, điện lên sân khấu. Người thích thú cũng nhiều, người phàn nàn cũng có. Nhưng NSND Lan Hương, đạo diễn chương trình khăng khăng: "Nếu không đưa lên sân khấu, nghệ thuật hát chầu văn cũng như văn hóa tâm linh trong tín ngưỡng người Việt khó tiếp cận với công chúng quốc tế".

Lan Hương đã đúng, khi vào năm ngoái, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã gửi hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt" lên UNESCO đệ trình là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tất nhiên, để được xem xét, còn cần quảng bá nhiều hơn nữa, nhất là với người nước ngoài.

Chương trình đã chắt lọc tinh hoa văn hóa dân tộc kết hợp với hình thức biểu diễn nghệ thuật đương đại do 30 diễn viên thực hiện. Trong hơn hai giờ đồng hồ, "Tâm linh Việt" trình diễn 14 giá đồng trong nghi lễ thờ đạo Mẫu. Mỗi diễn viên hóa thân vào thanh đồng trong một hoặc một vài giá, tùy khả năng, với trang phục lộng lẫy. NSND Lan Hương chia sẻ: "Tâm linh Việt" được xây dựng theo cách nhìn của sân khấu, thiên về nghệ thuật chứ không phải là hoạt động thờ cúng.

Bởi vậy, nhiều yếu tố mới của sân khấu đưa vào, như âm nhạc đương đại dựa trên chất liệu truyền thống, giọng hát của NSƯT Văn Chương thể hiện chầu văn mang tính chất của nghệ thuật chuyên nghiệp, các tầng bệ là trang trí cách điệu, tượng trưng. Đặc biệt là phần vũ đạo thì không chỉ có hầu đồng mà còn kết hợp sáng tạo, uyển chuyển với múa đương đại, nghệ thuật hình thể, múa tuồng… Xem đầy đủ chương trình thì người đã chứng kiến nghi lễ này hay chưa đều hiểu, yêu thích và thấy hấp dẫn.

Nhưng ra mắt một thời gian, thì "Tâm linh Việt" không thể diễn định kỳ, hay lưu diễn dài hơi ở các địa phương, dù Nhà hát Tuổi trẻ đã thử, lý do là không bán được vé. Phải chăng là do chương trình quá dài hay như lý giải của NSND Lan Hương: Với nghi lễ này, thanh đồng thật có sức hút hơn diễn viên? Vậy nhưng NSND Lan Hương không từ bỏ, chị cùng Nhà hát Tuổi trẻ kêu gọi tài trợ để tiếp tục thực hiện biểu diễn vì mục đích quảng bá, giới thiệu nghi lễ, phong tục đặc sắc của dân tộc một cách quy mô và dễ tiếp cận gần hơn với khán giả, nhất là người nước ngoài. Ở lần biểu diễn tới đây, đạo diễn bổ sung thêm phần thay quần áo ở một giá ngay trên sân khấu, cũng là cách làm cho chương trình thêm trọn vẹn, đầy đủ nghi thức… 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Tâm linh Việt" trở lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.