Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tấm lá chắn cuối cùng

Vân Khanh| 22/10/2012 07:11

(HNM) -  Đó là khi toàn bộ 6.000 ngân hàng thuộc 17 quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sẽ về nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) trong thời gian tới.

Sự đồng thuận không dễ dàng vừa đạt được nhằm quy về một mối tất cả ngân hàng tại Lục đại già đã giúp Hội nghị Thượng đỉnh Châu Âu tại Brussels (Bỉ) vào cuối tuần qua đạt tới một kết thúc có hậu.


Thỏa thuận liên minh ngân hàng đã được thông qua sau sự đồng thuận khó khăn của các nhà lãnh đạo Châu Âu.

Kể từ khi Hy Lạp reo rắc căn bệnh nợ công kinh hoàng chưa từng thấy ở Châu Âu đã không ít lần câu hỏi được đặt ra: phải chăng liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới đã đứng trước bờ vực tan vỡ?. Tuy nhiên, quyết định chọn "ông chủ" duy nhất cho các ngân hàng là một động thái rõ ràng khẳng định bất chấp những biến cố ghê gớm, Châu Âu vẫn đang cương quyết và không do dự theo đuổi hành trình nhất thể hóa. Với công cụ mới nhất vừa được thiết lập, các lãnh đạo Châu Âu lạc quan rằng đã tạo được lá chắn cuối cùng để bảo vệ một "yếu huyệt" trong hệ thống kinh tế khu vực; đồng thời là một vũ khí hữu hiệu nhằm vô hiệu hóa quả bom nợ nần đang hẹn giờ phát nổ.

Không phải thành viên nào cũng gật đầu với đề xuất mới. Trong khi Pháp ủng hộ để ECB "cai quản" tất cả thì đầu tàu kinh tế Đức lại muốn chỉ chọn một số ngân hàng lớn vào diện "bị quản lý". Song, lãnh đạo của cả 17 thành viên đều thừa nhận rằng hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn là rắc rối lớn nhất trong mớ bòng bong tài chính mà Châu Âu đang là nạn nhân. Hàng loạt ngân hàng từ mới thành lập đến những cái tên danh tiếng lừng lẫy đều đang bị đẩy đến miệng hố phá sản như hậu quả của một thời kỳ tăng trưởng nóng tín dụng trong giai đoạn bùng nổ kinh tế trước đây không lâu. Điều đáng nói là, để giữ các nhà băng Eurozone khỏi đổ vỡ, nhiều chính phủ Châu Âu đã và sẽ phải bơm tiền giải cứu và như vậy càng khiến tình hình tài chính vốn đã khó khăn thêm bi đát do nợ cũ bị chất thêm nợ mới. Vì vậy, quyết định để các ngân hàng chỉ tuân lệnh một "ông chủ" duy nhất, Châu Âu hy vọng sẽ thoát được vòng luẩn quẩn của nợ công. Theo đó, khi đi vào vận hành, ECB sẽ có thể bơm tiền trực tiếp cho ngân hàng gặp "vấn đề" mà không cần phải "gửi qua" các chính phủ như hiện nay. Quy trình trực tiếp này được hy vọng sẽ chia tách mối quan hệ mật thiết nhưng nhiều "hậu quả" giữa quản trị ngân hàng lỏng lẻo và ngân khố quốc gia như đã từng diễn ra tại không chỉ Châu Âu. Cũng nhờ quản lý trực tiếp, ECB hy vọng có thể phát hiện và hành động đúng lúc để kịp thời ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng từ xa.

Mặc dù vẫn còn không ít hoài nghi về khả năng liên minh ngân hàng đầu tiên tại Châu Âu sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2013 như cam kết, nhưng thỏa thuận vừa đạt được của Eurozone đã đặt viên gạch đầu tiên cho một liên kết chưa từng có. Cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và dư luận đều cho rằng một hệ thống tài chính thống nhất sẽ là giải pháp hiệu quả để Châu Âu chống lại sự tàn phá của bão "nợ công" suốt 3 năm qua. Thế nhưng, để một cơ chế chưa có tiền lệ có thể hoạt động hiệu quả đòi hỏi hàng loạt sự phối hợp cũng như cách thức tiếp nhận hỗ trợ. Đây sẽ là một thử thách lớn mà Châu Âu phải vượt qua trong những nỗ lực tìm lại vị thế của châu lục trên một bản đồ kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều đổi thay.

Không đề cập đến hỗ trợ Tây Ban Nha hay trực tiếp trả lời cho thắc mắc về Hy Lạp có ở lại Eurozone hay không trong chương trình nghị sự; thế nhưng, các thị trường chứng khoán và hàng hóa Châu Âu đã có những hồi đáp đầy phấn chấn sau những tín hiệu tích cực vừa được phát đi từ Brussels.

Rõ ràng, với sự thống nhất mới của một liên minh tài chính, Châu Âu đã chọn sự liên kết để vượt cơn khủng hoảng chứ không phải "ly khai" để tìm một no ấm còn ở thì tương lai. Và, dường như Lục địa già đã tìm thấy phương thuốc để giải quyết những khó khăn kéo dài quá lâu và làm cả Châu Âu suy yếu. Nhưng, những ngày tồi tệ nhất liệu đã lùi lại phía sau như Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố tại Brussels hay không hiện vẫn còn là nỗi ưu tư để ngỏ. Và, Châu Âu vẫn còn cả chặng dài phía trước để tìm lại những tháng ngày đầy ánh hào quang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tấm lá chắn cuối cùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.