Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạm dừng đến trường nhưng không tạm dừng việc học

Thống Nhất| 26/03/2020 20:40

(HNMO) - Chiều 26-3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến tới các điểm cầu của phòng giáo dục và đào tạo về phòng, chống dịch Covid-19 và công tác chỉ đạo quản lý dạy và học trong thời gian học sinh nghỉ học.

Ngoài nội dung triển khai về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hội nghị dành nhiều thời gian bàn thảo và thống nhất các giải pháp hỗ trợ, quản lý học sinh học tập tại nhà trong thời gian nghỉ học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị.

Bài giảng qua internet phải được lãnh đạo trường phê duyệt

Báo cáo từ các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố cho thấy, rất nhiều hình thức hỗ trợ học sinh học tập, củng cố kiến thức tại nhà đã được triển khai. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã mở rộng hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study; tổ chức dạy học qua truyền hình cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 trên toàn thành phố. Trong đó, các bài dạy qua truyền hình giúp học sinh tiếp cận bài học mới theo phân phối chương trình, còn việc học tập trực tuyến tạo điều kiện để các em củng cố, ôn tập kiến thức đã học. Theo đánh giá bước đầu, mô hình dạy học trực tuyến và học qua truyền hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh và sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh học sinh.

Thời điểm này, ngoài việc tiếp tục tổ chức công tác vệ sinh, khử khuẩn, rà soát, bổ sung trang thiết bị để sẵn sàng các điều kiện đón học sinh đi học trở lại, các đơn vị đã tích cực xây dựng bài giảng qua internet và động viên, nhắc nhở học sinh học qua truyền hình. Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, cho biết, việc kịp thời tổ chức các hình thức hỗ trợ học sinh học tập tại nhà đã nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Theo thống kê sơ bộ, toàn quận có 81% số học sinh tiểu học, 92% số học sinh trung học cơ sở tham gia học qua mạng internet. Ngoài ra, hầu hết học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 trên địa bàn cũng đã và đang tích cực học tập qua truyền hình.

Để bảo đảm chất lượng học tập, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý các nhà trường, giáo viên về việc chuẩn bị bài giảng để tổ chức giảng dạy qua internet. Cụ thể, bài giảng phải được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, chính xác, phù hợp với học sinh; phải có hệ thống câu hỏi, bài tập để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và phải được lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi đưa vào sử dụng.

Cơ hội để giáo viên, học sinh nâng kỹ năng

Ý kiến của nhiều đơn vị khẳng định, việc tổ chức dạy học qua internet và qua truyền hình không chỉ hỗ trợ tích cực cho học sinh được học tập tại nhà khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mà còn tạo cơ hội để đội ngũ giáo viên nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học.

Theo ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai, thông qua các bài giảng trên truyền hình, giáo viên của các trường trên địa bàn học được nhiều kinh nghiệm về cách thức tổ chức bài giảng và phương pháp truyền đạt cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và có thể tự học. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng khi cô và trò học qua truyền hình, tính tương tác hạn chế. Với học sinh, đây là cơ hội để các em được tiếp cận với các thầy giáo, cô giáo giỏi.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Phú (huyện Sóc Sơn), chia sẻ, việc tổ chức dạy học qua mạng internet thực sự là một thách thức lớn đối với cả giáo viên và học sinh, tuy nhiên, tập thể thầy, trò nhà trường coi đây là cơ hội để rèn kỹ năng. Giáo viên tăng cường tìm cách thiết kế bài giảng và phương pháp giảng dạy mới từ nhiều nguồn; học sinh học cách tiếp cận kiến thức từ xa một cách chủ động, tự giác. Theo ghi nhận ban đầu, việc áp dụng các hình thức học tập tại nhà giúp các em giữ được nền nếp học tập, khắc phục phần nào sự ỷ lại...

Quyết tâm vượt khó

Với quan điểm dù phải tạm dừng đến trường nhưng không tạm dừng việc học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã kịp thời hướng dẫn các đơn vị, trường học triển khai các giải pháp hỗ trợ học sinh vừa củng cố bài cũ, vừa được học bài mới. Để chủ động ứng phó với tình huống học sinh có thể phải tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học, Sở đã xây dựng phương án dạy học trên truyền hình đến ngày 15-7-2020.

Để khắc phục những hạn chế của hình thức dạy học qua mạng hoặc qua truyền hình, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, lưu ý các nhà trường, giáo viên tiếp tục tăng cường quản lý, đôn đốc học sinh, đồng thời bám sát các bài dạy trên truyền hình để giao bài tập cho học sinh và đánh giá mức độ tiếp nhận của từng học sinh, từ đó có biện pháp hỗ trợ.

Nhấn mạnh mục tiêu, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải cố gắng khắc phục để dạy tốt, học tốt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị tất cả các đơn vị, trường học thống nhất nhận thức: Việc phòng, chống dịch và bảo đảm chất lượng giáo dục là trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo toàn ngành.

Tính đến thời điểm hiện tại, học sinh đã nghỉ học 2 tháng, trong khi khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ kéo dài một tháng rưỡi. Vì vậy, sự chủ động của mỗi nhà trường và sự chung sức của phụ huynh học sinh trong việc phối hợp tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế để duy trì chất lượng giáo dục là rất cần thiết. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường phải phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên liên quan đến việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình.

Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên của các bộ môn phải dành thời gian theo dõi, đôn đốc, giúp học sinh tiếp thu kiến thức để bảo đảm khi các em đi học trở lại sẵn sàng bắt nhịp với chương trình. Sở sẽ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc dạy học qua internet và trên truyền hình, trong đó có quy định về kiểm tra, đánh giá để làm căn cứ cho các đơn vị triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạm dừng đến trường nhưng không tạm dừng việc học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.