(HNM) - Trong suốt hơn nửa thế kỷ, Hội nghị An ninh Munich được xem là dịp gặp gỡ thường niên của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời cũng là nơi để các nước phương Tây đàm thoại với phần còn lại của thế giới.
Hội nghị An ninh Munich là diễn đàn quan trọng để thảo luận nhiều vấn đề an ninh toàn cầu. |
Hội nghị năm 2017 diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ với NATO và Liên minh Châu Âu (EU) đang có nhiều biến động. Các đồng minh của Washington vẫn đang làm quen với bộ máy mới rất khó đoán định của Nhà Trắng. Những phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng mô hình NATO - tổ chức suốt 70 năm qua luôn được xem là trụ cột cho an ninh của Châu Âu - đã trở nên lỗi thời khiến các đối tác Châu Âu vô cùng lo ngại.
Trong khi đó, Lục địa già hiện cũng đang gặp nhiều vấn đề nội tại, từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu, tâm lý hoài nghi vào tương lai của Châu Âu, cho tới quyết định rời khỏi EU của Anh (Brexit)... Những yếu tố trên đang "góp sức" đẩy cả khối vào giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Vì thế, Châu Âu hiện rất muốn làm rõ quan điểm của Washington, đặc biệt là các chính sách của Nhà Trắng để đối phó với Nga, lập trường với Trung Quốc, hướng giải quyết tình hình Syria, cuộc chiến chống khủng bố… Vốn là những vấn đề đóng vai trò định hình đối với tương lai Châu Âu.
Hội nghị lần thứ 53 có lẽ đã mang tới một phần câu trả lời. Ngay trong bài phát biểu đầu tiên vào ngày 18-2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã chuyển tải thông điệp của ông chủ Nhà Trắng rằng sẽ tiếp tục ủng hộ Châu Âu và duy trì các cam kết với liên minh quân sự NATO. Mỹ sẽ sát cánh với Lục địa già, cùng hợp tác trên cơ sở của những lý tưởng chung.
Tuy nhiên, những tuyên bố “chắc nịch” này vẫn chưa làm các đồng minh Châu Âu an lòng. Nhiều quan chức còn băn khoăn rằng liệu nước Mỹ có thực sự đồng hành với Châu Âu trong mọi vấn đề? Trong bài phát biểu tại Brussels (Bỉ) trước thời điểm khai mạc Hội nghị An ninh Munich, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cảnh báo các thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời nhấn mạnh sẽ không còn chuyện người đóng thuế Mỹ phải gánh phần lớn đóng góp để bảo vệ các giá trị phương Tây. Điều này dường như trái ngược với những phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị, nhấn mạnh tổ chức này góp phần tăng cường sức mạnh cho Mỹ và có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Vì vậy, Washington cần phải chia sẻ gánh nặng về chi phí hoạt động của NATO.
Thực tế, những khác biệt về quan điểm giữa Mỹ và Châu Âu ngày một nhiều lên. Hiện nay, dù các cơ quan tình báo của Châu Âu liên tục cảnh báo Mátxcơva đang tìm cách tác động đến bầu cử trên khắp Lục địa già, Tổng thống Mỹ D.Trump lại đề xuất nới lỏng lệnh trừng phạt Mátxcơva để đổi lấy một thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân. Vì vậy, dù ông M.Pence nhấn mạnh tại hội nghị rằng Mỹ sẽ buộc Nga phải có trách nhiệm với những hành động của mình và phải tôn trọng Thỏa thuận Minsk, nhưng các nước Châu Âu vẫn có những nghi ngại liên quan đến vấn đề này.
Có thể thấy, dù về mặt đường lối, Mỹ đã cam kết sẽ vẫn đứng về phía các đồng minh lâu năm, ủng hộ sự duy trì của NATO. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng một số thay đổi về cách nhìn nhận của chính quyền mới tại Washington đối với các vấn đề hiện nay của thế giới nói chung và Châu Âu nói riêng đang thử thách sự gắn kết, việc củng cố niềm tin của NATO. Dẫu vậy, những ràng buộc về lợi ích khiến khối liên minh không dễ bị hủy hoại bởi cả Châu Âu và Mỹ vẫn cần sự hợp tác nhằm bảo đảm an ninh cũng như củng cố vai trò và ảnh hưởng toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.