Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, trong khi Đề án số hóa truyền hình chưa được phê duyệt, sẽ chưa xem xét mở rộng việc xây dựng hạ tầng mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, trong khi Đề án số hóa truyền hình chưa được phê duyệt, sẽ chưa xem xét mở rộng việc xây dựng hạ tầng mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thành Đề án số hóa truyền hình theo đúng mục tiêu, định hướng nêu tại Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2010.
Theo Dự thảo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đến năm 2020, phấn đấu đến năm 2020, số hộ gia đình xem được truyền hình số tăng lên 100%; phủ sóng truyền hình số mặt đất tới 80% dân cư; phát triển và hoàn thiện thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất quy mô tối đa từ 7 - 8 doanh nghiệp trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh và quản lý thống nhất của Nhà nước.
Triển khai Đề án này, dự kiến sẽ có 5 dự án trọng điểm được thực hiện từ nay đến năm 2020 với tổng kinh phí dự kiến lên tới 4.393 tỷ đồng. Trong đó, 997 tỷ đồng dành để hỗ trợ người dân mua thiết bị thu xem truyền hình số, 50 tỷ đồng dành để thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc số hóa truyền hình, 2.331 tỷ đồng để xây dựng mạng truyền hình số mặt đất toàn quốc...
Trước đó, tháng 2/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ đạo, để thực hiện lộ trình số hóa truyền hình mặt đất, cần đặc biệt quan tâm đến cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ cả gói cho các địa phương chủ động đăng ký triển khai truyền hình số trước thời gian ấn định theo lộ trình.
Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ thiết bị đầu cuối với giá hợp lý cho người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, chính sách khuyến khích đầu tư nâng cao chất lượng chương trình truyền hình số, nhằm thu hút người dân tự nguyện sử dụng dịch cụ truyền hình số.
Truyền hình Kỹ thuật số (KTS) có 3 thế mạnh chính: chất lượng hình ảnh, âm thanh cao; tăng số lượng kênh; tiết kiệm tần số băng thông rộng. Đài Truyền hình Việt Nam hiện quản lý 21 kênh truyền hình KTS với 200.000 thuê bao; VTC quản lý 98 kênh với khoảng 40.000 thuê bao. Tổng cộng số thuê bao truyền hình vệ tinh chiếm khoảng 1,56% số hộ có truyền hình trên phạm vi cả nước. Cả nước hiện có 1,5 triệu hộ sử dụng truyền hình cáp, chiếm 9,75% số hộ có truyền hình, trong đó, TP. Hồ Chí Minh có 64,5% và Hà Nội có 49,4% số hộ sử dụng truyền hình cáp. Mục tiêu đến năm 2015, 80% số hộ gia đình trên cả nước được xem truyền hình số và đến năm 2020 tỷ lệ này là 100%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.