Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạm biệt với nghệ thuật “học chay”

Yên Nga| 18/02/2017 08:17

(HNM) - Tối nay (18-2), vở kịch “Quẫn” sẽ được công diễn tại Rạp Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội), đánh dấu sự hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội trong thực hiện mô hình đào tạo thực tế đối với nghệ sĩ sân khấu.


Một cảnh trong vở kịch “Quẫn”.


Kinh nghiệm đã có

Trước đây, khi mới thành lập, Nhà hát Tuổi trẻ là mô hình đào tạo thực tế nghệ sĩ sân khấu như vậy. NSND Lê Khanh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ kể rằng, vào năm 1978 khi từ Liên Xô trở về sau quá trình học tập, NSND Phạm Thị Thành khởi xướng thành lập một nhà hát dành cho tuổi trẻ với nòng cốt là một số nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật, còn lại là những người trẻ chưa được đào tạo nghề, trong đó có Lê Khanh. Một nhà hát thì phải có chương trình biểu diễn, có tác phẩm nghệ thuật và doanh thu. Thế hệ đi trước dạy nghề cho lớp trẻ, cùng dựng 2 vở kịch ngắn đầu tiên là “Hòn đá cháy” và “Hoàng tử học nghề”.

“Chúng tôi trở thành diễn viên trên sân khấu ngay trong học kỳ đầu tiên, có những ngày phải diễn 4 buổi. Cứ thế, sau 3 năm học hệ trung cấp, chúng tôi đã là diễn viên chuyên nghiệp, có thể đảm nhiệm nhiều loại vai”, NSND Lê Khanh nhớ lại.

Tiếc là trong nhiều năm qua, mô hình đào tạo nói trên đã không được duy trì. Trong khi đó, tại các cơ sở đào tạo sân khấu ở nước ta hiện nay, điển hình là Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, học sinh, sinh viên “cặm cụi” học theo kiểu “mình biết mình” trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 năm, có khi đã học cả cao học rồi nhưng chưa một lần đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, diễn trước khán giả thật sự. Vì thế, sau khi tốt nghiệp, được nhận vào các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng đa số phải mất thời gian làm quen với sân khấu, rồi “xếp hàng” chờ đến lượt được giao vai diễn. NSND Lê Khanh nhận xét: “Thật phí khi ở độ tuổi sung sức nhất mà các diễn viên vẫn chỉ được “chạy qua chạy lại”. Đến khi họ tích lũy đủ kinh nghiệm thì đã trên 30 tuổi, nhiều vai chính không còn phù hợp nữa, nhất là về ngoại hình”.

PGS.TS Phan Trọng Thành, Trưởng khoa Sân khấu, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, định hướng đào tạo của nhà trường cũng là làm sao để sinh viên có được kinh nghiệm thực tế. Trước đây, trường cũng tổ chức đưa các tác phẩm của sinh viên đi biểu diễn phục vụ khán giả, coi phản ứng của khán giả là thước đo để đánh giá sinh viên. Nhưng, vì không có chức năng tổ chức biểu diễn cũng như nhiều điều kiện khác mà nhà trường phải dừng hoạt động này.

Làn gió mới cho công tác đào tạo

Lễ ký kết hợp tác đào tạo thực hành sân khấu giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội diễn ra trong tuần qua được cho là điểm khởi phát chắp cánh cho nhiều sinh viên nhanh chóng bước vào môi trường chuyên nghiệp. Tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự hợp tác này là vở kịch “Quẫn” của đạo diễn NSƯT Trần Lực - được dàn dựng cho sinh viên K33 của trường - hứa hẹn thu hút khán giả trẻ. Tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 2 (tháng 12-2016), “Quẫn” giành được HCB cho vở diễn, 1 HCV và 2 HCB cho diễn viên, cùng với đó là giải Đạo diễn xuất sắc nhất.

“Quẫn” của cố tác giả Lộng Chương là một kịch bản hài kịch tiêu biểu, trong quá khứ từng có được thành công vang dội. Nhưng trước bài toán dựng lại vở này cho khán giả hôm nay, không ít đạo diễn gạo cội đã lắc đầu. Rồi Trần Lực quyết định dựng “Quẫn” theo phong cách ước lệ với ý muốn để sinh viên của mình trải nghiệm nhiều trường phái khác nhau. Tạo cơ hội cho sinh viên, đó có lẽ là cách lựa chọn đúng của đạo diễn bởi trong bối cảnh hiện tại, khi sân khấu trong nước vốn quá quen với phong cách hiện thực tâm lý, nếu anh đem vở diễn này "mời chào" một nhà hát nào đó dựng thì chưa chắc đã được chấp nhận. Các nhà hát có thể ngại, bởi với một vở thử nghiệm thì không ai dám chắc sẽ thành công… Cuối cùng, chính sự mạnh dạn của đạo diễn cùng năng lượng dồi dào của những người trẻ đã đem đến cho sân khấu một “làn gió mới”, nói như NSND Lê Khanh là: “Sân khấu vắng bản dựng này sẽ là một sự thiệt thòi”.

PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, chương trình hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và nhà trường rất phong phú. Nhà trường sẽ tiếp tục giới thiệu những tác phẩm mới, mang tính thử nghiệm cao, trong đó sinh viên là nòng cốt, đến với khán giả tại Rạp Tuổi trẻ. Các nghệ sĩ của nhà hát sẽ trực tiếp thị phạm cho sinh viên, truyền đạt kinh nghiệm nhằm giúp sinh viên vững bước vào nghề.

"Quẫn", vì thế, không chỉ là một vở thử nghiệm thành công mà còn cho thấy một mô hình kết hợp hứa hẹn giữa công tác đào tạo và biểu diễn. Đó có thể là tiền đề cho những quyết định mạnh dạn tiếp sau liên quan tới công tác đào tạo nghệ sĩ sân khấu, với số phận của mô hình "học chay toàn tập" vốn đã bộc lộ hạn chế từ lâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạm biệt với nghệ thuật “học chay”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.