(HNM) - Cuối giờ sáng 7-2, đường dẫn lên cầu Long Biên gần nút giao thông Yên Phụ - Hàng Đậu - Trần Nhật Duật khá vắng vẻ. Người Xây Dựng đang điều khiển xe máy hướng lên cầu thì nhìn thấy hai đôi nam nữ người nước ngoài đang đứng chỉ trỏ mấy cái biển báo giao thông rồi trao đổi với nhau có vẻ gay gắt.
Người Xây Dựng dừng xe, hỏi thăm thì được biết đây là một nhóm du khách người Hà Lan. Trên đường dạo quanh phố phường Hà Nội, họ muốn đi lên cầu Long Biên để chụp ảnh lưu niệm nhưng thấy tấm biển cấm người đi bộ nên người muốn đi lên cầu, người lại từ chối...
Biển cấm đi bộ ở đầu cầu Long Biên. |
- Chúng tôi chào đón các bạn đến với cầu Long Biên. Các bạn có thể đi thoải mái, đừng ngại... - Người Xây Dựng vừa nói vừa giơ tay chỉ lên cầu, lúc đó đang có mấy người Việt Nam và người nước ngoài đang đi bộ nhưng nhóm bạn vẫn e dè. Họ nói họ không muốn vi phạm pháp luật Việt Nam vì đang đi du lịch. Chỉ đến khi Người Xây Dựng nhờ một anh cảnh sát trật tự đang ứng trực gần đó tỏ thái độ đồng ý, nhóm bạn mới dám đi bộ lên cầu...
Long Biên là cây cầu lịch sử, gắn với nét thơ mộng, hào hùng của sông Hồng, Hà Nội. Đây là địa chỉ thu hút rất nhiều người làm nghệ thuật và du khách mỗi lần đến thăm Thủ đô. Trên thực tế, mỗi ngày cầu Long Biên có hàng trăm, nhiều khi tới hàng nghìn khách bộ hành qua lại hai bên bờ sông Hồng. Vậy vì lý do gì mà tấm biển cấm người đi bộ vẫn tồn tại ở đầu cầu như đánh đố người dân và du khách gần xa?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.