Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tấm áo cơ chế” đã quá chật

Thế Phương| 19/10/2010 06:36

(HNM) - Hà Nội đang phải khoác


Mở rộng địa giới hành chính, dân số Hà Nội đã lên tới hơn 6,5 triệu người, diện tích lên hơn 3.000km2, đứng đầu cả nước và nằm trong số 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Hà Nội đã hội tụ được nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng chưa thể bứt phá bởi nhiều chính sách, cơ chế đã không còn phù hợp, thậm chí ràng buộc, cản trở sự phát triển.

Để Thủ đô thực sự là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não của một quốc gia văn minh, hiện đại, Hà Nội cần có những cơ chế mới, động lực mới. Do đó, xây dựng Luật Thủ đô với việc hình thành những cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển đột phá là vô cùng cần thiết. Vấn đề này không phải đến lúc này mới được đề cập.

Dự án Luật Thủ đô đã được soạn thảo, qua nhiều lần bổ sung, sửa chữa đang được chỉnh lý, hoàn thiện.

Theo nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, dự thảo đã có bước tiến dài, song vẫn cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đề nghị những cơ chế đặc thù, nhất là về lĩnh vực giáo dục, khoa học, quản lý dân số... Để tạo đột phá trong quản lý, dự luật phải phản ánh được tư duy mạnh dạn hơn nữa trong phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm cho Hà Nội và cơ chế quản lý phối hợp của các cơ quan trung ương.

Tại hội nghị cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô lần cuối trước khi trình Quốc hội thảo luận vào ngày 16-11 tới, lãnh đạo TP Hà Nội cũng nhấn mạnh: Luật Thủ đô cần được xây dựng nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho thành phố phát huy tốt nhất tiềm năng và thế mạnh để phát triển bứt phá…

Dự án Luật Thủ đô mới nhất, theo các nhà soạn thảo, đủ sức tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển bứt phá và giải quyết các vấn đề bức thiết trong quản lý đô thị. Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Cùng việc tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, xử phạt nặng như quy định của dự thảo chính là một biện pháp quản lý. Nhưng cũng có người đặt vấn đề: Liệu đây có phải là giải pháp hiệu quả? Rồi cần lường trước những hệ lụy có thể xảy ra trong đời sống xã hội…

Những ý kiến đóng góp nhằm xây dựng Luật Thủ đô là rất cần thiết nhưng vấn đề cấp bách lúc này là hoàn thiện và đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống. Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức: số người vi phạm luật, tình trạng ùn tắc giao thông ngày một gia tăng; tiến trình đô thị hóa quá nhanh… Thực tiễn ở Hà Nội đã phát sinh nhiều vấn đề nhưng chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh. Nếu không có giải pháp kịp thời để xử lý những vấn đề phát sinh từ thực tế, chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan, thậm chí làm chậm tiến trình phát triển của Hà Nội.

Hà Nội phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn để luôn là nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm" là nguyện ước của người Hà Nội mà cũng là mong muốn của cả nước. "Tấm áo cơ chế" đã quá chật chội cần được cởi bỏ, Hà Nội cần có những định chế pháp luật mới mang tính đặc thù để vươn lên.

Luật Thủ đô được hoàn thiện, đi vào cuộc sống là động lực, cũng là cơ hội để Hà Nội phát triển đột phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tấm áo cơ chế” đã quá chật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.