(HNMO) – Có lẽ không một quốc gia nào mà chi tiêu cho các cuộc bầu cử lại đắt đỏ như ở Mỹ. Hầu như sau mỗi kỳ bầu cử tại nước này, các kỷ lục về chi tiêu mới lại bị phá vỡ.
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 được cho là sẽ lại lập nên kỉ lục mới về chi tiêu cho vận động bầu cử. |
Tiền không thể mua được chiếc ghế tổng thống, nhưng lại giúp cho ứng viên thu hút được sự chú ý. Theo thống kê, tổng chi phí cho các cuộc bầu cử ở Mỹ từ năm 2000 tới 2012 (bao gồm cả các cuộc đua vào Quốc hội) ngày càng tăng, từ 3 tỷ USD năm 2000 lên tới 7 tỷ USD năm 2012.
Các công ty truyền thông trở thành phương tiện đắc lực không thể thiếu của các ứng viên trong chiến dịch vận động tranh cử. Tiền quảng cáo được chi ra ở khắp mọi nơi từ báo địa phương, truyền hình quốc gia, các đài phát thanh cho đến các trang web. Bên cạnh đó, số tiền chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số trên điện thoại di động ngày càng lớn.
Tổng chi tiêu cho bầu cử Mỹ từ năm 1998 tới 2012. |
Không phải quốc gia nào cũng chi nhiều như vậy cho các cuộc bầu cử. Ví dụ, ở Pháp, chi tiêu cho chiến dịch của các ứng cử viên tổng thống được giới hạn ở mức 30 triệu USD. Vậy tại sao các cuộc bầu cử của Mỹ lại đắt đỏ như vậy?
Lý do đầu tiên và quan trọng nhất, các cuộc bầu cử của Mỹ đắt đỏ vì Mỹ là một nước lớn và giàu có: Tổng dân số 314 triệu người tạo nên rất nhiều chi phí, đặc biệt là trong các thị trường truyền thông cạnh tranh như New York và Florida. Ngoài ra, mỗi kỳ bầu cử lại bao gồm hàng nghìn cuộc đua: Các vị trí mà ở các quốc gia khác có thể được lấp đầy bởi những người được chỉ định bởi một đảng thì lại được cạnh tranh một cách quyết liệt tại Mỹ.
Một nguyên nhân khiến cho chiến dịch tranh cử này trở nên đắt đỏ chính là vì nó kéo dài quá lâu. Không giống như các nước khác, ở Mỹ không có quy định giới hạn thời gian mà một ứng viên có thể bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình. Ví dụ như Ted Cruz đã chính thức thông báo tham gia tranh cử bắt đầu từ tháng 3/2015 – tức là 20 tháng trước ngày bầu cử.
Thêm vào đó là việc không giới hạn kinh phí được phép chi tiêu. Chiến dịch tranh cử của một cá nhân có thể đốt tới 1 tỷ USD - đó là còn chưa tính tới kinh phí đóng góp của những nhóm ở hải ngoại. Nói cách khác, không có giá rẻ cho một chiến dịch kéo dài tới hai năm, trong đó chủ yếu là để tuyên truyền trên các phương triện truyền thông và chi trả cho những nhóm vận động tranh cử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.