(HNM) - “Cứ vào đêm khuya, các đối tượng hành nghề vận chuyển lại chở rác, phế thải xây dựng đến các khu đất trống ở ngõ 99, đường Võ Chí Công để đổ trộm. Nhưng, không biết vì lý do gì, đến nay vi phạm trên chưa bị chính quyền địa phương ngăn chặn…?”.
Đổ cột trụ bê tông ngăn ô tô vào đổ trộm phế thải tại ngõ 99 đường Võ Chí Công. |
Ngày 10-4, có mặt tại ngõ 99, đường Võ Chí Công, phóng viên nhận thấy hơn 5.000m2 đất hiện trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án xây dựng Khu đô thị mới Tây Hồ Tây đang ngập trong rác và phế thải xây dựng. Do lưu cữu, phế thải ở đây bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ông Lê Chí Thành, một người dân đang sinh sống tại ngõ 99 cho biết, tình trạng đổ trộm phế thải tại khu vực diễn ra từ cuối năm 2018. Thời gian đầu, mức độ vi phạm thưa thớt, nhưng từ tháng 2-2019, mức độ vi phạm bắt đầu gia tăng, không chỉ có các ô tô chuyên dụng, mà còn có cả xe thồ, cải tiến, ngày cũng như đêm ngang nhiên vận chuyển phế thải đến đổ trộm. Tuy vậy, hơn 3 tháng nay hành vi vi phạm trên chưa bị lực lượng chức năng phường Xuân La ngăn chặn, xử lý theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề trên, ông Lê Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La cho biết: Ngày 17-1-2019, UBND phường đã tổ chức mời chủ đầu tư dự án xây dựng Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Việt Triều, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Đội Thanh tra giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an quận Tây Hồ… họp bàn phương án ngăn chặn. Thế nhưng, do giữa chủ đầu tư với Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Việt Triều (đơn vị đại diện cho các hộ dân có đất bị thu hồi chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng) chưa thống nhất được kinh phí chi trả cho lực lượng bảo vệ cũng như việc quây tôn, lập rào chắn xung quanh khu đất nên thời gian qua, việc xử lý vi phạm chưa được giải quyết dứt điểm.
Cũng theo ông Lê Tiến, nhằm ngăn chặn hành vi đổ trộm rác, phế thải tại khu đất dự án, tháng 2-2019, UBND phường Xuân La đã cho đổ trụ cột bê tông, dựng barie tại các tuyến đường đi vào. Mặt khác, UBND phường có văn bản đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Tây Hồ đôn đốc chủ đầu tư quây tôn, lắp đặt camera giám sát, theo dõi di biến động của các đối tượng vận chuyển phế thải. Song, do vi phạm chủ yếu diễn ra vào ban đêm nên đến nay lực lượng chức năng quận Tây Hồ mới xử lý được 3 trường hợp có hành vi đổ trộm và làm rơi vãi đất trên đường Võ Chí Công. Nhìn chung, đến thời điểm này, tình trạng đổ trộm phế thải tại khu đất phục vụ dự án xây dựng Khu đô thị mới Tây Hồ Tây vẫn còn tiếp diễn, gây bức xúc dư luận.
Như vậy, việc ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải tại khu đất thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị mới Tây Hồ Tây vẫn chưa hiệu quả. Đề nghị chính quyền địa phương và đơn vị liên quan có biện pháp xử lý dứt điểm những vi phạm nêu trên để bảo đảm môi trường khu vực được trong lành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.