(HNM) - Giàu có về số lượng cũng như hàm lượng giá trị văn hóa, lịch sử, kho tàng di sản văn hóa Hà Nội là nguồn tài nguyên quý báu, nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô.
Du khách tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.Ảnh: Bá Hoạt |
Nguồn lực cho sự phát triển bền vững
Dẫn đầu cả nước về số lượng di sản với gần 6 nghìn di tích lịch sử - văn hóa, Hà Nội hiện có 1 di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long); 13 di tích, cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; hơn 1 nghìn di tích xếp hạng cấp quốc gia và hơn 1,2 nghìn di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Sau đợt tổng kiểm kê được thực hiện vào năm 2016, Hà Nội ghi nhận nguồn tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể phong phú với rất nhiều lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, trong đó, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, nghi lễ và trò chơi kéo co (tại Hà Nội và một số địa phương khác) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Ca trù có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám được đưa vào danh sách Di sản tư liệu thế giới của UNESCO; 10 di sản khác được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…
Ngoài kho tàng di sản văn hóa phong phú, Hà Nội còn có hệ thống thiết chế văn hóa đa dạng, đặc biệt là các bảo tàng quốc gia và của thành phố. Đúng như đánh giá của PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội là thành phố di sản văn hóa có thể sánh với nhiều thành phố nổi tiếng khác trên thế giới. Còn theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các loại hình di sản chính là tài nguyên quý giá, nguồn lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Hà Nội.
Nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá: Kết quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã góp phần khơi dậy tiềm năng của di tích, tạo cơ sở cho phát triển du lịch, đồng thời phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục lịch sử, văn hóa, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô vẫn còn những hạn chế nhất định. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Hiện vẫn còn hơn 700 di tích xuống cấp trầm trọng, 900 di tích khác tuy mức độ xuống cấp chưa nghiêm trọng nhưng rất cần được tu bổ... Đặc biệt, có 166 di tích bị xâm hại với mức độ, hình thức khác nhau mà câu chuyện “bê tông hóa” đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa), sự biến đổi không gian chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai) hay việc một số hộ dân lấn chiếm không gian di tích ở chùa Thanh Nhàn (quận Đống Đa) trong thời gian qua là những ví dụ mang tính điển hình.
Số hóa dữ liệu di sản để quản lý, khai thác
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Thái Hiền |
Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế về di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội là một trong những mục tiêu mà chính quyền và nhân dân Thủ đô hướng tới vì sự phát triển bền vững. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Thực trạng hàng loạt di tích xuống cấp cùng với những tồn tại trong việc triển khai các quy định của pháp luật về bảo tồn di sản văn hóa cho thấy cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô. TP Hà Nội luôn lắng nghe và mong muốn các chuyên gia lĩnh vực này đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp cho Hà Nội.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, TP Hà Nội cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội, để di sản văn hóa trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch địa phương. Vì vậy, Hà Nội cần đầu tư cho việc số hóa dữ liệu di sản để khai thác thông tin cũng như quản lý hiệu quả hơn.
Cùng quan điểm trên, nhiều người làm công tác bảo tồn di sản đều có chung nhận xét, du lịch và di sản có mối quan hệ tương trợ. Nên vấn đề quảng bá, giới thiệu di sản như một điểm đến hấp dẫn cần được thực hiện chủ động hơn. Điều này không chỉ phụ thuộc vào sự hợp tác giữa đơn vị quản lý di sản và các công ty lữ hành mà còn cần có sự vào cuộc, định hướng quyết liệt của các cơ quan chức năng thông qua các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể cũng như những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tích cực.
Ngay như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, dù đã đón khoảng 300 nghìn lượt khách trong 10 tháng qua (tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng những người có trách nhiệm vẫn chưa hài lòng. Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, đơn vị này đang phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành trong khai thác giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách; tăng khả năng trải nghiệm cho du khách để họ cảm thấy hài lòng. Việc phối hợp này sẽ mang đến nhiều cái lợi cho chính đơn vị quản lý các điểm đến du lịch. Bởi nếu tự thân vận động, các đơn vị khó đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, phát huy những mặt mạnh của điểm đến.
Còn PGS.TS Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học) đề nghị, Hà Nội sớm lập bản đồ khảo cổ học, xác định các di tích trên và dưới mặt đất kèm theo phương án bảo vệ. Đó là “cẩm nang” vô cùng cần thiết cho việc bảo tồn di sản cũng như phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.