(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương lân cận và các bộ, ngành trung ương đang khẩn trương tái khởi động nhiều dự án giao thông quan trọng trong khu vực. Cùng với đó, các bên cũng phối hợp đẩy nhanh việc chuẩn bị khởi công nhiều dự án giao thông liên tỉnh, liên vùng khác.
Trước tình trạng quá tải trên tuyến đường dẫn vào cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện các dự án giao thông liên vùng. Trong đó, đề xuất thành phố chi hơn 1.123 tỷ đồng để mở rộng gần 4km đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) trong quý II-2025, hoàn thành năm 2027, với vận tốc thiết kế 80km/giờ, bề rộng 36m, quy mô 8 làn xe.
Đề xuất này của ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh nhằm đón đầu dự án sắp tới của Bộ Giao thông - Vận tải mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đáp ứng lượng phương tiện dự kiến tăng cao trên tuyến khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoạt động giai đoạn 1 từ năm 2025. Cụ thể, mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản thống nhất với đề nghị của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao VEC (Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam) thực hiện các bước chuẩn bị mở rộng tuyến cao tốc quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, từ khi đưa vào khai thác (năm 2015) đến nay, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng cao (trung bình khoảng 10,45%/năm). Với quy mô 4 làn xe hiện tại, tuyến cao tốc không đáp ứng được nhu cầu vận tải, nhất là khi sân bay Long Thành đi vào khai thác. Dự kiến tuyến cao tốc sẽ mở rộng thành 8-10 làn xe trên quãng đường 22km (từ thành phố Hồ Chí Minh đến Long Thành (Đồng Nai). Tổng mức đầu tư dự kiến 14.787 tỷ đồng.
Một dự án giao thông quan trọng khác là cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (Đồng Nai) cũng đang được Bộ Giao thông - Vận tải tái khởi động lại sau gần 4 năm tạm dừng thi công (khởi công xây dựng từ năm 2014, tạm dừng thi công năm 2019). Theo đó, VEC vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc bố trí vốn đối ứng cho dự án. Cụ thể, VEC cam kết sẽ tự bố trí số tiền 758 tỷ đồng cho phần vốn đối ứng còn lại của dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đồng thời sẽ cân đối tài chính thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của VEC, để tiếp tục sớm được thi công trở lại. Hiện khối lượng thi công toàn tuyến đã đạt khoảng 80%.
Cùng với đó, dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh trình Chính phủ chủ trương đầu tư. Nếu được thông qua, năm 2023, thành phố cố gắng hoàn tất lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư và khởi công năm 2024. Tuyến cao tốc là điểm đầu của đường Vành đai 3 và kết nối với đường Vành đai 4 nên có ý nghĩa chiến lược về kết nối vùng.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ khởi động lại dự án đường Vành đai 2 sau nhiều năm gián đoạn. Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, dự án đường Vành đai 2 dài 64km còn tới 14km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. Hiện Sở đã cơ bản chuẩn bị xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với tổng mức đầu tư đoạn 1 và đoạn 2 (dài hơn 6km) khoảng 17.000 tỷ đồng. Nếu dự án được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư năm 2023 thì dự kiến hoàn thành năm 2026.
Đối với dự án đường Vành đai 3, đi qua thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dự kiến khởi công vào tháng 6-2023 và hoàn thành năm 2026. Còn dự án đường Vành đai 4, đi qua thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu đã được các địa phương thống nhất trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư năm 2023. Dự kiến sẽ khởi công dịp 30-4-2025, cơ bản hoàn thành và thông xe kỹ thuật cuối năm 2027, khai thác năm 2028.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.