Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu và cải cách quản lý doanh nghiệp

Hồng Sơn| 08/02/2011 07:51

(HNM) - Từng bước đổi mới quản lý và kinh doanh, kết hợp với triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm tăng tốc phát triển bền vững là yêu cầu bức thiết của nền kinh tế, thu hút sự quan tâm từ cấp điều hành vĩ mô đến giới nghiên cứu và các DN…


Tăng trưởng thiếu bền vững?


Tái cơ cấu doanh nghiệp cùng với đổi mới quản lý kinh doanh là yêu cầu bức thiết để tăng tốc phát triển kinh tế. Ảnh: TTXVN


Đến nay, công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, thời gian qua các DN cũng bộc lộ những khiếm khuyết cần được điều chỉnh, để từ đó gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đó là tình trạng tăng trưởng thiếu bền vững, đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp, chậm đổi mới công nghệ; bộ máy quản lý cồng kềnh…

Kết quả khảo sát một số đơn vị thuộc lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, thủy sản và dịch vụ ở 30 tỉnh phía Bắc cho thấy, chỉ có 12% DN có công nghệ đạt trình độ tiên tiến, 76% trung bình và 12% đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Đáng lưu ý, mức độ lạc hậu về công nghệ còn cao hơn hẳn trong khu vực DN tư nhân. Thông qua việc tự đánh giá của các DN, chỉ có 4% nhận có công nghệ tiên tiến, hơn 81% là công nghệ trung bình. Nhiều DN bộc lộ điểm yếu đáng lo ngại là có tăng trưởng, nhưng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, trong khi hiệu quả đầu tư thấp, gây ra tình trạng vừa "cụt" dần vốn, vừa mất dần sức cạnh tranh. Trong 20 năm qua, khu vực tư nhân chưa khẳng định được tầm quan trọng và tỷ trọng lớn trong GDP hằng năm của cả nước. Khả năng xoay chuyển tình thế khi gặp khủng hoảng hoặc rủi ro, thực hiện tăng tốc và tiếp nhận sử dụng công nghệ mới còn chậm, đôi khi thiếu nghiên cứu kỹ. Vì vậy, đến nay DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân cũng bị đánh giá là "mong manh", dễ bị tổn thương.

Tình hình ở các DNNN cũng không sáng sủa hơn, bộc lộ khá nhiều "khuyết tật". Trên thực tế, đến nay DNNN vẫn là đối tượng hưởng nhiều ưu đãi về cơ chế, thị trường, mặt bằng, nhất là vốn vay phục vụ tăng trưởng, nhưng chưa xứng đáng với những gì được ưu đãi, chưa thể hiện được vai trò "đầu tàu" cho nền kinh tế. Bài học về món nợ khổng lồ, khó trả, hệ lụy lâu dài trên diện rộng của Vinashin là một điển hình của tình trạng này. Đáng lo ngại hơn là hiệu quả đầu tư ở khối DNNN thấp hơn hẳn so với DN thuộc khu vực tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, khi muốn tạo ra một đồng trong tăng trưởng, DNNN phải bỏ ra nhiều tiền vốn đầu tư hơn so với DN thuộc 2 khu vực nói trên. Ngoài ra, các DN Việt Nam vẫn có mức tiêu hao vật chất và tiêu thụ năng lượng cao hơn so với DN các nước trong khu vực. Để làm ra một sản phẩm tương tự, DN ta cần năng lượng gấp 1,5-2 lần so với các nước thuộc hạng trung bình khá như Thái Lan hoặc Malaysia. Sản phẩm làm ra khó cạnh tranh được về giá thành, vì vậy khó thu hồi vốn và ảnh hưởng đến khả năng chi trả tiền công cho công nhân.

Tích cực chuyển đổi mô hình

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thực tại và xuất phát từ yêu cầu phát triển, nền kinh tế cần chuyển đổi nhanh mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng, năng suất lao động, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của cả cộng đồng DN. Cần có bước thay đổi mang tính bứt phá trong quản lý, thiết lập những tiêu chuẩn đánh giá và giám sát DN. Chỉ khi đã thiết lập được các bảng tiêu chuẩn theo hướng đầy đủ và chi tiết, đề cập rộng khắp các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới mang lại sự minh bạch. Đặc biệt, cần tạo cơ chế bình đẳng cho các DN thuộc những thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tăng cường giám sát cũng như tạo việc làm và tận dụng khả năng sáng tạo của lực lượng lao động. Từ đó, các DN chủ động và sáng tạo để tạo ra sản phẩm cũng như cách thức kinh doanh mới.

Nhà nước cần tiếp tục có biện pháp tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cổ phần hóa DN, hoàn thiện các quy định và hướng dẫn để đẩy nhanh tiến trình này, qua đó huy động thêm nguồn vốn cho phát triển cũng như nâng cao hiệu quả đồng vốn. DN nên tham gia phát hành cổ phần, trái phiếu ra thị trường thế giới, tận dụng cơ hội để trở thành DN quốc tế hóa. Không phải ngẫu nhiên mà một số nhà chiến lược nổi tiếng thế giới gần đây đã khuyến cáo Việt Nam nên tìm con đường phát triển riêng, với mô hình kinh tế độc đáo để phát triển bền vững. Trong đó có gợi ý DN tập trung đầu tư, phát triển ngành dịch vụ tổng hợp, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến của hoạt động du lịch - nghỉ dưỡng. Nhiều nhà kinh tế cũng gợi ý, kỳ vọng các DN Việt Nam sẽ chủ động tham gia và thành công trong các hoạt động kinh tế quốc tế, gồm vận tải đa phương thức, tiếp nhận - trung chuyển, phân phối luồng hàng, khách quốc tế; dịch vụ lưu trú, giải trí; tài chính - bảo hiểm - ngân hàng; bất động sản cao cấp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu và cải cách quản lý doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.