(HNM) - Hiện nay, lĩnh vực trồng trọt đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng/ha. Đây là kết quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề cần khẩn trương tháo gỡ để nông nghiệp Thủ đô phát triển thật sự bền vững.
Một mô hình trồng hoa ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm. |
Chuyển biến trong sản xuất
So với các tỉnh lân cận, diện tích cây trồng hằng năm của Hà Nội nhiều gấp 3 lần - khoảng 294.000ha. Thời gian qua, Hà Nội không chỉ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao hiệu quả mà còn được đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và hiện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh lúa, hoa, cây ăn quả... hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, phương thức nhỏ lẻ, cá thể vẫn khá phổ biến; việc xác định sản phẩm, cây trồng chủ lực ở mỗi địa phương còn hạn chế; quá trình tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế trang trại quy mô lớn gặp khó khăn...
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung: Động lực của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của Hà Nội phải là ở địa phương, ở tất cả nông dân. Bên cạnh đó, Hà Nội phải tập trung rà soát điều kiện của mình, xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực trồng trọt... |
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc, lĩnh vực trồng trọt đã có những chuyển biến tích cực, góp phần không nhỏ nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Song sản xuất vẫn thiếu ổn định và còn nhỏ lẻ, phân tán. Đơn cử, mô hình trồng hoa, mỗi hộ chỉ có từ 1.000 đến 2.000m2. Ngoài ra, nông dân không có khả năng đàm phán về giá vật tư đầu vào và giá bán ra. Đầu vào tăng giá, đầu ra bị ép giá chính là gọng kìm "siết chặt" thu nhập của người nông dân. Sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả và khả năng cạnh tranh, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công nhưng nhiều địa phương triển khai chậm, lúng túng, thậm chí không nắm rõ "tái cơ cấu là gì".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai nhìn nhận: Tái cơ cấu thực tế là thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi sang những cây trồng chất lượng cao, hiệu quả kinh tế lớn. Nhưng không phải huyện nào cũng triển khai được điều đó, ngoài việc tích tụ ruộng đất, hình thành quy hoạch thì thành phố phải có hướng dẫn để các địa phương sớm triển khai tái cơ cấu.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Năm nay là năm đầu tiên Hà Nội triển khai chương trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, ngành trồng trọt sẽ tập trung vào các nhóm cây trồng như rau, cây ăn quả, chè và hoa chất lượng. Đây cũng là một trong những giải pháp của ngành nông nghiệp Hà Nội về tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Nông nghiệp Hà Nội không thể chỉ luẩn quẩn với những cây trồng truyền thống mà phải có những đột phá mang tính chiến lược, phát triển theo vùng tập trung, xây dựng mô hình chất lượng đi đôi với hình thành mạng lưới thị trường. Để tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao sẽ được chú trọng hơn; trong đó, ưu tiên phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, tăng sản xuất rau an toàn, cây ăn quả...
Bàn về nội dung trên, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng đề xuất, để tái cơ cấu thành công, thành phố cần tạo thuận lợi hơn nữa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với những chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển; từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao. Phải xác định vai trò hạt nhân của doanh nghiệp trong nông nghiệp, qua đó mới tạo thành chuỗi khép kín trong sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt chỉ rõ: Tái cơ cấu trồng trọt phải hướng đến nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, trên cơ sở lựa chọn những cây trồng chủ lực có lợi thế kinh tế cao. Theo đó, tái cơ cấu không chỉ là thay đổi cơ cấu cây trồng mà phải thay đổi cách tiếp cận trong tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững. Các sản phẩm của ngành trồng trọt Hà Nội phải hướng đến chất lượng cao hơn, với giá thành giảm nhằm tăng khả năng cạnh tranh với nông sản nhập khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.